Ở nơi... quay ra tiền
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:30, 26/03/2023
Các hộ dân ở thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi (Chí Linh) mang nghề quay vịt đi khắp nơi
Học hỏi và truyền nghề
Trừ mùng 1 âm lịch, còn lại ngày nào anh Trần Văn Hùng, 27 tuổi, ở thôn Thanh Tảo cũng dậy từ khoảng 4 giờ sáng để bắt đầu công việc. Đun xong nồi nước sôi, anh lại pha nước đến nhiệt độ vừa đủ rồi thả vịt vào, sau đó vớt ra cho vào máy vặt lông. Anh tiếp tục nhặt lại lông vịt bằng tay, mổ moi, ướp gia vị và lá mắc mật vào bụng, khâu lại bằng kim inox và thả vào thùng đá, chờ đến chiều mang đi nướng và tiêu thụ. Đến 8-9 giờ sáng, phần việc buổi sáng đã hoàn thành. 2 giờ chiều, bố anh Hùng soạn đồ chở vịt đi tiêu thụ ở chợ Lãm Làng, phường Vân Dương (TP Bắc Ninh), cách nhà khoảng 35 km. Đến khoảng 7 giờ tối, sau khi hết hàng, ông trở về nhà, công việc quay vịt của một ngày chính thức khép lại. Ngày thường, gia đình anh Hùng bán từ 15-20 con vịt, vào những ngày cuối tuần con số này tăng thêm khoảng 10 con/ngày.
Ngày làm việc của gia đình anh Hùng giống như đa số người dân thôn Thanh Tảo. Quãng năm 2016, do yêu thích nghề đầu bếp nên anh Hùng đã học hỏi cách làm vịt quay ở Lạng Sơn. Sau đó, anh quyết định về quê làm nghề và gắn bó cho đến nay. Công việc này mang đến nguồn thu nhập ổn định, từ 20-25 triệu đồng/tháng cho gia đình anh Hùng. Học được bí quyết, anh đã chia sẻ với nhiều anh em, họ hàng để cùng phát triển nghề.
Cũng như hộ anh Hùng, hộ anh Hoàng Văn Hãnh, 48 tuổi, ở thôn Thanh Tảo ngày thường bán từ 15-20 con vịt. Anh làm nghề từ năm 2012 sau khi học từ một đầu bếp của làng từng phục vụ cho 1 nhà hàng chuyên về món ăn Trung Quốc. “Gia vị để tạo nên món vịt quay ngon rất đơn giản, là những thứ quen thuộc như nước mắm, mì chính, nước tương... Nhưng pha trộn với tỷ lệ thế nào để vịt ngấm gia vị, khi nướng không bị nát mà chín đều, nước chấm pha thế nào để quện mà ngon thì không phải ai cũng làm được”, anh Hãnh cho biết.
Nhờ bí quyết ấy, vịt quay do anh Hãnh bán thường xuyên hết hàng. Nhiều khách hàng là công nhân, người lao động quê ở Lạng Sơn - vùng đất nổi tiếng với món vịt quay, cũng thường xuyên mua vịt nhà anh Hãnh mang về quê làm quà vào các dịp cuối tuần.
Người dân Thanh Tảo đã mang món vịt quay đi nhiều tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, có hộ còn tiêu thụ tại Vĩnh Phúc với quãng đường di chuyển khoảng 200 km/ngày.
Xưởng cơ khí Hoàng Anh cung cấp máy quay vịt, máy vặt lông, nồi nhúng vịt… cho các hộ làm nghề nơi đây
Khôi phục sau đại dịch
Để phục vụ đông đảo người dân làm nghề quay vịt, tại thôn Thanh Tảo hiện có 3 hộ làm nghề thu gom vịt ở các nơi về bán lại cho người dân, một số hộ nuôi vịt và 1 xưởng cơ khí chuyên sản xuất máy móc liên quan đến nghề quay thịt. Nhờ vậy, người dân làm nghề đỡ vất vả.
Anh Nguyễn Văn Luyện, 38 tuổi, chủ cơ sở cơ khí Hoàng Anh tại thôn Thanh Tảo cho biết anh mở xưởng từ năm 2014, cung cấp nhiều mặt hàng như máy quay vịt, máy vặt lông, nồi nhúng vịt, máy quay thịt gia súc… Không chỉ phục vụ người dân trong thôn, xưởng của anh cung cấp cho người dân nhiều tỉnh, thành phố.
Anh Hoàng Đức Thành, Phó Trưởng thôn Thanh Tảo cho biết thôn có 275 hộ thì có khoảng 180 hộ làm nghề quay vịt và các nghề liên quan, tiêu thụ từ 1.200-1.300 con vịt/ngày. Cuối tuần có thể bán khoảng 2.000 con/ngày, ước tính tổng số tiền mỗi ngày người dân cả thôn thu về hàng trăm triệu đồng. Không chỉ tạo công việc và thu nhập cho những lao động chính trong các hộ, nghề quay vịt mang đến việc làm nhẹ nhàng, thu nhập ổn định cho lao động cao tuổi hoặc nhàn rỗi như thịt vịt thuê, rút xương chân vịt… Nghề quay vịt không chỉ phát triển mạnh ở Thanh Tảo mà nay đã được mở rộng ở nhiều thôn của xã Lê Lợi như An Mô, Thanh Tân, An Lĩnh… Cách đây 2 năm, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, số lượng vịt được người dân Thanh Tảo tiêu thụ cao hơn hiện tại từ 2-3 lần. Đến nay, sức tiêu thụ đang trên đà phục hồi.
Công việc quay vịt tại thôn Thanh Tảo đã đem lại nghề nghiệp và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
BÌNH AN