Có đòi lại được tiền đặt cọc khi mua nhầm đất quy hoạch?
Tư vấn - Ngày đăng : 09:48, 27/03/2023
XUÂN DUY (TP Hải Dương)
Trả lời:
Điều 328 Bộ luật Dân sự quy định, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Tài sản đặt cọc, theo đó, sẽ được xử lý theo 3 trường hợp sau:
- Khi hợp đồng được giao kết, thực hiện: tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;
- Khi bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng: tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
- Khi bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng: phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Căn cứ vào các quy định này, trường hợp bên nhận đặt cọc cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật về quy hoạch để lừa dối bên đặt cọc thì bên hợp đồng đặt cọc có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Do vậy, nếu cho rằng bên nhận đặt cọc lừa dối trong giao kết, bạn có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu.
Dựa theo điều 131 Bộ luật Dân sự, nếu hợp đồng đặt cọc được tòa án tuyên vô hiệu, bên nhận cọc (người bán) phải trả lại cho bạn số tiền đặt cọc họ đã nhận và bồi thường thiệt hại (nếu bạn có yêu cầu), song không phải chịu phạt cọc.