Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh cơ cấu sản phẩm để bất động sản có giá hợp lý hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 15:20, 28/03/2023

Đó là những nội dung trong văn bản số 178 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.

Chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 (TP Hồ Chí Minh), tháng 2.2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tinh thần nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, để triển khai có hiệu quả hơn.

Rà soát vướng mắc pháp lý

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ cho thị trường.

Trong đó thị trường bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn. Đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Rà soát các dự án nhà ở, các dự án bất động sản để cùng doanh nghiệp xử lý vướng mắc pháp lý. Nhất là các dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án bất động sản có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà ở.

Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; tham mưu cho Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, nhất là việc phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.

Có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán theo đúng quy định. Thực hiện ổn định hoạt động thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng

Với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng giao cần khẩn trương triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất ưu đãi. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Dành vốn cho dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm kế hoạch trả nợ.

Đặc biệt là dành vốn cho dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp. Bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất cho vay.

Các tỉnh, thành phố được yêu cầu khẩn trương phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm. Đẩy mạnh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng, giao đất, cho thuê đất làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Mục tiêu là thực hiện dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người dân, nhà ở cho người thu nhập thấp, tăng nguồn cung hơn nữa cho thị trường.

Chủ động rà soát vướng mắc của dự án ở địa phương, giải quyết các kiến nghị và hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án. Các dự án đang rà soát thủ tục pháp lý phải khẩn trương có kết luận để được tiếp tục triển khai.

Chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Theo Tuổi trẻ