[Audio] Không có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, chọn sách giáo khoa thế nào?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:00, 30/03/2023

Nhờ giáo viên THCS chọn sách giáo khoa âm nhạc, mỹ thuật là phương án được các trường THPT ở Hải Dương thực hiện khi trường không có giáo viên dạy môn này.


Cô giáo Phạm Thị Nga dạy môn âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) sử dụng kinh nghiệm 20 năm công tác và từng giảng dạy bộ sách mới ở lớp 6, lớp 7 để chọn sách giáo khoa lớp 11

Hải Dương không có giáo viên THPT dạy môn âm nhạc, mỹ thuật để chọn sách giáo khoa 2 môn này.

Nhờ giáo viên THCS

Năm học 2023-2024, học sinh lớp 11 sẽ bắt đầu học sách giáo khoa mới, trong đó có 2 môn các em có quyền lựa chọn là âm nhạc và mỹ thuật. Không có giáo viên chuyên môn lựa chọn 2 bộ sách này khiến các trường không khỏi lúng túng, nhưng theo quy định vẫn phải đề xuất chọn lựa. 

Thầy Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc cho biết lúc đầu khi triển khai chọn sách giáo khoa 2 môn âm nhạc và mỹ thuật, trường cũng loay hoay không biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Các thầy cô khác không có chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ này nên không thể biết được sách nào hay. 

Nắm bắt tình hình của các trường khi chọn 2 bộ sách trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện lựa chọn giáo viên THCS môn âm nhạc và mỹ thuật có trình độ đại học trở lên giúp các trường THPT lựa chọn sách.

Cũng như nhiều trường THPT khác, sau khi có hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT Gia Lộc cùng các Trường THPT Gia Lộc II, Đoàn Thượng đã thống nhất thành lập hội đồng chung để chọn riêng 2 bộ sách âm nhạc và mỹ thuật lớp 11. Theo đó, 4 giáo viên âm nhạc và mỹ thuật của các Trường THCS Phạm Trấn, Đức Xương, Quang Minh, Đồng Quang đảm nhận việc này. Các giáo viên được chuyển sách giáo khoa, sách chuyên đề bản cứng và bản mềm nghiên cứu. Sau đó, mỗi giáo viên lập phiếu đánh giá cá nhân lựa chọn bộ sách và thống nhất với giáo viên còn lại để chọn 1 bộ sách.

Tương tự, Trường THPT Nam Sách cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết lựa chọn sách giáo khoa. Cô Nguyễn Thị Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết đã nhờ giáo viên dạy môn âm nhạc và mỹ thuật của các Trường THCS Nguyễn Trãi và Đồng Lạc lựa chọn. Mỗi môn có ít nhất 2 giáo viên nghiên cứu, đề xuất, chọn bộ sách phù hợp. Sau khi các giáo viên đề xuất, hội đồng tổ chức họp cùng các giáo viên, Ban Đại diện cha mẹ học sinh tiếp tục thảo luận, phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và thống nhất trước khi báo cáo lên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cấp trên.

Kết quả, sau khi nghiên cứu các bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Cánh diều" và "Chân trời sáng tạo", các giáo viên THCS, trường THPT trên đều chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa được các trường thực hiện đúng theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và các văn bản, hướng dẫn của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo.


Từ năm học 2023-2024, học sinh lớp 11 sẽ học sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bảo đảm tính xuyên suốt và liền mạch

Dù chưa được dạy thực nghiệm hay dạy học sinh THPT nhưng với chuyên môn, kinh nghiệm công tác, các giáo viên THCS thực hiện việc chọn sách đều làm việc với tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu sâu kỹ để lựa chọn bộ sách bảo đảm chất lượng nhất.

Với kinh nghiệm 20 năm giảng dạy và có trình độ đại học, cô Phạm Thị Nga dạy môn âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) được giới thiệu chọn sách giáo khoa giúp các Trường THPT Nam Sách và Mạc Đĩnh Chi. Cô Nga cho biết căn cứ vào kiến thức từng giảng dạy bộ sách mới ở lớp 6 và lớp 7 để chọn sách giáo khoa lớp 11. Cơ bản sườn kiến thức giống nhau nhưng ở THPT thì phần bài hát, lý thuyết âm nhạc khó hơn, phần nhạc cụ đòi hỏi thực hành nhiều hơn.

“Chúng tôi lựa chọn sách bảo đảm tính xuyên suốt và liền mạch. Bởi ở cấp THCS đã sử dụng bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" nên khi chọn sách giáo khoa lớp 11 chúng tôi cũng chọn bộ này", cô Nga nói.

Hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 nói chung và sách giáo khoa 2 môn mỹ thuật, âm nhạc lớp 11 nói riêng đã cơ bản hoàn tất. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, quan điểm của Hội đồng cấp tỉnh là tôn trọng ý kiến đề xuất lựa chọn của cơ sở, giáo viên. Tuy nhiên, để thuận lợi cho giảng dạy và có thể thay đổi sau này, hội đồng dự kiến vẫn chọn cả 3 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Cánh diều" và "Chân trời sáng tạo".

“Trong bối cảnh vẫn chưa có giáo viên dạy môn âm nhạc và mỹ thuật nhưng nếu học sinh có nhu cầu học vào năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn, động viên các giáo viên âm nhạc dạy ở THCS có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy thêm cấp THPT. Riêng môn mỹ thuật vẫn rất khó để thực hiện vì cấp THCS cũng đang thiếu giáo viên”, ông Hưng nói.

THẾ ANH