Cái rét nhẹ nhàng mà sâu lắng
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 08:23, 02/04/2023
Rét nàng Bân(*) 1957 TẾ HANH |
Rét nàng Bân - một trong những bài thơ tình của nhà thơ Tế Hanh được bạn đọc yêu mến suốt những năm qua. Với bút pháp nhẹ nhàng, tinh tế, nhà thơ khai thác tứ thơ từ câu chuyện cổ. Chuyện kể: nàng Bân đan áo cho chồng hết ba tháng ròng mới trọn cổ tay. Thương con, Ngọc Hoàng cho rét trở lại. Dân gian gọi đó là rét nàng Bân. Đọc Rét nàng Bân, ta cảm nhận được một cách sâu sắc, thú vị hơn khi tình yêu được sưởi ấm.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ viết giản dị, mộc mạc: “Khi em đan áo ấm cho anh,/ Gió còn thổi qua bàn tay lạnh”. Và ý thơ được đẩy lên, tình tứ: “Những đôi chim tìm nhau ủ cánh/ Mây đầy trời, rơi rớt nắng mong manh”. Hẳn con người với tình yêu đôi lứa, tình cảm ấy phải được nhân lên gấp bội trong sự yêu thương muốn chở che, sẻ chia cái rét “gió còn thổi qua bàn tay lạnh” để đan áo ấm cho chồng: “Em vội dệt thời gian qua sợi thắm” - sợi của tình yên son sắt, thủy chung. Thắm ở đây là thắm đỏ mối tình, sự nồng thắm trong yêu thương.
Nhưng rồi áo đan xong mùa lạnh đã hết trong tâm trạng của người đan áo: “Sợi len mịn so sợi lòng rối rắm”. Và sự cảm thông, chia sẻ của người chồng: “Đời cán bộ ít giờ nhàn rỗi”. Thế là việc đan áo, gửi áo cho chồng mặc rét thì mùa rét đã qua. Người gửi áo thì e ngại: “Em gửi áo lo anh giận dỗi”. Nhưng người chồng đón nhận áo, hiểu được sự chậm trễ với niềm cảm thông: “Vì việc chung đôi lúc nhẹ niềm riêng”. Thật ý tứ nhẹ nhàng mà sâu sắc, một sự cảm thông từ nhịp đập của trái tim.
Sang tháng ba, trời ấm lên, sau đó trời lại trở rét. Nhớ tích chuyện xưa, nhà thơ kể: “Nàng Bân khóc, đất trời thương lệ ứa/ Cho rét về đáp lại nỗi chờ mong". Đến đây, bài thơ với những câu kết có hậu: "Anh mặc áo của em và cảm thấy/ Bàn tay yêu nhân ấm gấp hai lần" và thời gian là người bạn trung thành gắn kết lứa đôi: "Thời gian hiểu lòng ta biết mấy/ Có tình người nên có rét nàng Bân".
Đọc Rét nàng Bân ta càng cảm nhận rõ phong cách, bút pháp của Tế Hanh nhẹ nhàng, ý vị và sâu lắng. Tế Hanh tinh tế trong quan sát, nhìn thấy cả những gì người đời không nhìn thấy. Nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét trong "Thi nhân Việt Nam" xuất bản năm 1942: "Người nghe thấy được cả những điều không chính sắc, không thanh âm…", "gió còn thổi qua bàn tay lạnh", "Rơi rớt nắng mong manh", "Sợi len mịn so sợi lòng rối rắm" cũng nằm trong cái tinh tế ấy. Hay tả cảnh cuối xuân sang đầu hạ cũng rất tài tình: "Hoa bắt đầu thưa thớt cuối đường xuân" như bức tranh sơn mài vẽ cảnh cuối xuân.
Bài thơ chặt chẽ về bố cục phục vụ cho chủ đề rét nàng Bân, có độ mở về không gian và lùi về thời gian, đã sang tháng ba nắng ấm, nhưng bỗng mùa đông trở lại để được mặc áo em đan. Do có tình người nên trời - một đấng siêu hình cũng cho rét về "đáp lại nỗi chờ mong.
Cách đây năm, sáu chục năm của thế kỷ trước, hình ảnh người phụ nữ cặm cụi đan áo len cho chồng vẫn còn in rất sâu đậm trong ký ức của mỗi người, nhất là đối với những người cao tuổi. Ngày nay, những mốt áo rét rất sang, kiểu cách… nhưng không thể xóa nhòa được hình ảnh đan những chiếc áo len xưa. Cho nên, toàn cảnh bài thơ Rét nàng Bân khắc vào tâm trí người đọc những hình ảnh không thể mờ phai của cặp vợ chồng sống giản dị, yêu thương nhau thông qua cảnh đan áo.
Bài thơ tình nhẹ nhàng nhưng găm vào lòng người đọc mỗi khi rét nàng Bân trở về, khiến trái tim rạo rực, mong được yêu thương, chia sẻ.
------------------
(*) Truyện cổ tích dân gian kể: Nàng Bân là con gái Ngọc Hoàng, chậm chạp và có phần vụng về. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con, bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân cũng là một người trên giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng liền may cho chồng một cái áo ngự hàn. May mãi không xong nhưng nàng vẫn không nản chí, chỉ buồn và âu sầu. Thấy vậy, Ngọc Hoàng thương con cho trời rét trở lại để chồng nàng được mặc áo. Từ đó thành lệ, cứ vào khoảng tháng 3 hằng năm, trời đang nóng thì lại trở rét mấy ngày.
VŨ HOÀNG