Tết Thanh minh nhớ về nguồn cội

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 12:41, 03/04/2023

Tết Thanh minh như một sợi dây liên kết tâm linh và giáo dục văn hóa của người Việt được duy trì bao đời, giúp nhân lên truyền thống "uống nước nhớ nguồn" được gìn giữ qua nhiều thế hệ.


Tết Thanh minh là dịp để con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và hướng về nguồn cội

Năm nay, bác trưởng tộc phấn khởi gọi điện nhắc gia đình tôi chủ nhật về sớm để tảo mộ Thanh minh và dự lễ gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi. Hai năm qua, vì dịch Covid-19 con cháu phải xa nhau, không được gặp gỡ, giao lưu thì năm nay là cơ hội để gắn kết tình thân nên gia đình tôi đã sắp xếp về dự đầy đủ.

Sớm chủ nhật, dưới làn mưa xuân lất phất, bố mẹ tôi dẫn con cháu ra khu nghĩa trang của làng- nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên để dọn cỏ, lau chùi phần mộ, thay bình hoa mới. Mẹ vừa dọn cỏ vừa dặn dò chúng tôi mộ là ngôi nhà của người đã mất nên con cháu phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ. Mẹ còn bảo, người có hiếu không khi nào để cho phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình hoang tàn, lạnh lẽo. Mẹ vừa dặn vừa rưng rưng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm với người đã khuất để con cháu hiểu về cuộc sống của ông bà xưa kia cũng như biết ơn công lao của những người đã khuất.

Tết Thanh minh như một sợi dây liên kết tâm linh và giáo dục văn hóa của người Việt được duy trì bao đời, giúp nhân lên truyền thống "uống nước nhớ nguồn" được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Những người ở xa dịp này cũng về thăm quê, tìm về nguồn cội. Trong ngày này, mọi người thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về người thân đã khuất của mình. Trẻ nhỏ được theo người lớn ra nghĩa trang thăm mộ tổ tiên. Người lớn nói cho con cháu hiểu về ý nghĩa của Tết Thanh minh và nguồn cội rồi cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm gia đình, dòng họ ấm cúng.

 Nhiều người dân TP Hải Dương mua hoa từ sớm để về quê thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên

 Tết Thanh minh có thể ở mỗi nơi một khác nhưng nó vẫn mang một ý nghĩa chung là tưởng nhớ về người thân, tổ tiên, ông bà của mình. Là ngày để con cháu thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tôi thấy ở nhiều nơi tổ chức lễ Thanh minh ấm cúng, gọn gàng và ý nghĩa. Một số dòng họ nhân dịp này tổ chức gặp mặt con cháu. Những người thành đạt chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giữ gìn cuộc sống gia đình êm ấm. Một số nơi dòng họ còn tổ chức phát động xây dựng quỹ tương trợ để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dòng họ. Người đứng đầu dòng họ sẽ phân công những gia đình khá giả hỗ trợ những gia đình khó khăn hơn. Dịp này, những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi cũng sẽ được tuyên dương khen thưởng, động viên để bước tiếp trên con đường học vấn… Những hoạt động ý nghĩa như vậy trong dịp lễ Thanh minh cần được lan tỏa. Nó góp phần hun đúc tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng hơn là cả cộng đồng cùng tương thân, tương ái để xây dựng xã hội phát triển, hạnh phúc.

Bên cạnh duy trì những nét đẹp truyền thống ngày Tết Thanh minh, chúng ta cũng cần tổ chức các nghi lễ gọn gàng, trang trọng, ấm cúng, tránh lãng phí. Đặc biệt, trong những bữa liên hoan dịp này cần phải thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu bia không lái xe để có một Tết Thanh minh an toàn.

Dịch Covid-19 đã qua đi, một Tết Thanh minh bình thường đã trở lại, mỗi người được về với quê hương, người thân, cùng nhau chia sẻ những vui buồn của cuộc sống, cùng nhau vun đắp những dự định, ước mơ tốt đẹp phía trước và cũng không quên tưởng nhớ và biết ơn ông bà, tổ tiên.

HẢI MINH