Tham vọng của Trung Quốc muốn thay thế USD bằng nhân dân tệ

Tin tức - Ngày đăng : 17:45, 04/04/2023

Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực tăng sức mạnh đồng nhân dân tệ để hạn chế các phụ thuộc kinh tế vào Mỹ.


Brazil là bên xuất khẩu đậu nành chính đến Trung Quốc - Ảnh: AFP

Tận dụng lợi thế thương mại, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ vào các thanh toán với các đối tác thương mại lớn, xây dựng sức mạnh của đồng tiền này nhằm thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ.

Nhân dân tệ chiếm ưu thế ở một số nước

Là đối tác thương mại lớn thứ 10 và cũng là nhà cung cấp quặng sắt và đậu nành chính cho Trung Quốc, Brazil đã bắt đầu chấp nhận các thanh toán thương mại và đầu tư bằng đồng nhân dân tệ, với một thỏa thuận đạt được giữa các ngân hàng trung ương vào tháng 2.

Tính đến cuối năm 2022, đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền ngoại hối có tỉ lệ giao dịch cao thứ 2 ở Brazil, chiếm 5,37%. Trong khi đồng đô la Mỹ vẫn là ngoại tệ chính trong trao đổi tại Brazil nhưng có dấu hiệu suy giảm.

Theo số liệu từ tờ Bloomberg, trong tháng 2 và tháng 3.2023, đồng nhân dân tệ đã chính thức vượt mặt đô la Mỹ để trở thành đồng tiền được giao dịch chính tại Nga, trong bối cảnh 1 năm chiến sự tại Ukraine, và Nga đang phải đối diện với nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây.

Trước chiến tranh Ukraine, lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại Nga là không đáng kể.

Theo báo SCMP, các lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực "vận động hành lang" để đưa nhân dân tệ thành đơn vị tiền tệ trong giao dịch dầu thô với các nước Trung Đông, trực tiếp thách thức khái niệm petrodollar - hệ thống thanh toán trao đổi dầu lấy đô la Mỹ giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước nhập khẩu loại hàng hóa này.

Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong trao đổi ngoại tệ và giao dịch tài chính giữa các nước thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - khu vực là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.

Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận thanh toán bằng nhân dân tệ với các nước như Indonesia, Việt Nam, và Campuchia.

"Trong ngắn hạn, việc phi đô la hóa phản ánh các rạn nứt trong hệ thống tiền tệ quốc tế mà đồng tiền này đang thống trị trong bối cảnh địa chính trị hiện nay", báo SCMP dẫn một phân tích trong bài nghiên cứu xuất bản hôm 3.4 của 2 tác giả Huang Yadong và Zhang Wenlang phối hợp với Ngân hàng đầu tư hàng đầu CICC của Trung Quốc.

Nhiều dư địa

Tỷ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu hiện nay vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đồng tiền này chỉ chiếm 2,19% trong tổng các thanh toán toàn cầu; 3,5% trong các giao dịch ngoại hối; 2,69% dự trữ trong các ngân hàng trung ương, và 12,28% trong rổ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).


Đồng nhân dân tệ có nhiều dư địa để phát triển, khi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới - Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng đồng nhân dân tệ có rất nhiều dư địa để phát triển, khi Trung Quốc có vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, 18% nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào quốc gia này.

Trong các năm qua, Trung Quốc đã báo cáo mức tăng 2 con số trong các giao dịch và đầu tư sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn thế giới.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, khoảng 7,92 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,15 nghìn tỷ USD) giá trị thương mại hàng hóa đã được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong năm 2022, tăng 37,3% so với năm 2021.

Các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ liên quan đến đầu tư trực tiếp đã tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021, lên 6,76 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Trong một báo cáo quan trọng được công bố vào tháng 10.2022, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách có trật tự.

Theo Tuổi trẻ