Cách phòng trừ sâu bệnh trên lúa đông xuân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:09, 05/04/2023

Hiện nay, thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển. Để phòng trừ sâu bệnh và bảo đảm năng suất lúa đông xuân, nông dân cần chú ý phòng trừ những loại sâu bệnh sau:


Bón cân đối NPK, hạn chế sử dụng đạm đơn để phòng trừ sâu bệnh phát sinh, gây hại, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ

1. Sâu cuốn lá nhỏ

- Sâu non mới nở trú ở những bao lá cũ hoặc nách bẹ lá. Mật độ sâu cuốn lá cao sẽ có nguy cơ làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa, nhất là khi sâu non sâu cuốn lá nở rộ và gây hại ở giai đoạn lúa làm đòng.

- Biện pháp phòng trừ: Bón cân đối NPK, không nên bón quá nhiều đạm, hạn chế sử dụng đạm đơn. Điều chỉnh mật độ gieo cấy hợp lý, vệ sinh đồng ruộng và diệt trừ cỏ dại. Khi phát hiện mật độ sâu cao (50 con/m2 ở giai đoạn đẻ nhánh và 20 con/m2 ở giai đoạn đòng - trỗ) thì có thể sử dụng một trong số các loại thuốc: Vayego 200SC, Emaben 3.6WG, Takumi 20EC, Virtako 40WG, Oman 2EC, Dylan 2EC, Obaone 95WG, Sunset 300WG, Voliam Targo 63SC, để phun. Nên phun khi sâu đang ở tuổi 1-2 sẽ hiệu quả hơn. Những nơi có mật độ sâu cao, rải lứa nên phun kép (lần 2 cách lần 1 khoảng 5 ngày), hoặc phun xong gặp mưa thì phải phun lại.

2. Bệnh đạo ôn hại lúa 

- Bệnh phát sinh gây hại trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng của lúa và hại trên nhiều bộ phận của cây lúa như lá, cổ bông, thân, gié lúa, hạt và bẹ lá. Trong trường hợp bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho lá lúa bị cháy khô. Khi gặp độ ẩm cao (trời mưa phùn hoặc có suơng mù) thì trên vết bệnh xuất hiện lớp nấm mốc mầu xám xanh, đó là cành bào tử và bào tử của nấm bệnh. 

- Biện pháp phòng trừ: Trên những chân ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân, tăng mực nước trong ruộng, không để ruộng khô hạn, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Fenoxanil + Tricyclazole... như: Flash 75WP, Beam 75WP, Filia 525SL, Map Famy 700WP, Fujione 40EC... theo liều lượng khuyến cáo, phải phun ướt đẫm toàn bộ lá lúa thì mới có hiệu quả, lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào, vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau 5 - 7 ngày. 

3. Bệnh rầy nâu 

- Rầy nâu có 5 tuổi, tuổi nhỏ thường gọi là rầy cám, trưởng thành mầu xám nâu và có 2 dạng cánh ngắn và cánh dài. Khi mật độ rầy cánh ngắn xuất hiện cao là báo trước nguy cơ cháy rầy, rầy cánh dài xuất hiện khi các yếu tố thức ăn không phù hợp và thời tiết bất lợi. Nguy hiểm hơn rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus vàng lùn và lùn xoắn lá gây thất thu hoàn toàn năng suất lúa mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị.

- Biện pháp phòng trừ: Mật độ rầy có thể tăng đột ngột trong thời gian ngắn, vì vậy cần kiểm tra và giám sát đồng ruộng thường xuyên nhằm đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Khi rầy cánh ngắn xuất hiện với mật độ cao, cần phun trừ kịp thời bằng một trong các loại thuốc như Trebon 10 EC, Bassa 50 EC... nồng độ từ 0,15- 0,2%. 

Ngoài các đối tượng sâu bệnh chủ yếu nêu trên, trong vụ lúa đông xuân cần chú ý ruồi đục lá, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh khô vằn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen…

PV (tổng hợp)