Bức tranh tái hiện hơn 100 ngày đi tuần của Càn Long

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:16, 06/04/2023

"Càn Long nam tuần" được vẽ trong 5 năm, tái hiện 112 ngày vua và tùy tùng đi tuần.

Cuối tháng 3, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc đăng trên fanpage ảnh chi tiết một số nhân vật trong tác phẩm, dấy lên thảo luận về phong tục tập quán, trang phục, nét vẽ của Càn Long nam tuần. Theo Ifeng, tác phẩm do họa sĩ cung đình Từ Dương (không rõ năm sinh năm mất) thực hiện, khắc họa chuyến đi tuần phía nam đầu tiên của nhà vua, năm 1751.

Cảnh mua bán ở Càn Long nam tuần. Ảnh: National Museum of China

Cảnh mua bán ở "Càn Long nam tuần". Ảnh: National Museum of China

Một trong lý do Càn Long nam tuần là nhằm mừng thọ 60 tuổi của hoàng thái hậu, đưa bà thăm thú. Trong chuyến đi, ông còn làm việc với quan địa phương, thị sát công trình sông, quan sát dân tình thế thái, du ngoạn danh lam thắng cảnh. Vốn yêu nghệ thuật, Càn Long sáng tác hơn 520 bài thơ trong chuyến đi.

Có hai phiên bản Càn Long nam tuần, một bản lụa và một vẽ trên giấy. Bản tranh lụa từ lâu bị phân tán, hiện nằm trong các bảo tàng ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ, một cuộn thuộc sở hữu tư nhân. Còn bản tranh giấy được lưu giữ trọn vẹn. Ngoài ra, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc còn giữ hai bản phác thảo bức tranh.

Bản lụa ra đời trước, tới năm 1771, hoàng đế ra lệnh Từ Dương vẽ lại trên giấy, họa sĩ mất 5 năm để hoàn thành. 12 cuộn tái hiện hành trình của vua và tùy tùng theo trình tự thời gian, địa lý. Bắt đầu từ kinh thành ở Bắc Kinh, qua Đức Châu, vượt sông tới Vô Tích, Tô Châu, Gia Hưng, Hàng Châu... sau đó về cung. Hành trình tốn 112 ngày.

Theo The Paper, bức tranh mang tính ký sự, là tư liệu lịch sử về thời đại nhà Thanh. Tác phẩm mở đầu bằng cảnh mây trời, kết thúc cũng bằng những áng mây. 12 cuộn là 12 chủ đề, miêu tả điểm dừng chân quan trọng trong chuyến đi cùng các khung cảnh như phong tỏa đường xá phục vụ vua và tùy tùng, quan lại quỳ hàng dài chờ hoàng thượng giá đáo. Càn Long khi cưỡi ngựa, đi bộ, lúc ngồi thuyền, ngồi kiệu.

Nhà vua ngồi kiệu qua sông, trên đê, quan lại quỳ đón tiếp. Ảnh: Art

Nhà vua ngồi kiệu qua sông, trên đê, quan lại quỳ đón tiếp. Ảnh: Art

Ngoài vua và tùy tùng, thiên nhiên, kiến trúc, dân thường cũng được khắc họa đậm nét, với những chi tiết như cảnh mua bán trên cầu, trẻ nhỏ cưỡi ngựa, biểu diễn nghệ thuật, phụ nữ chăm sóc trẻ nhỏ...

Tác giả bức tranh - Từ Dương - quê Tô Châu, được Càn Long trọng dụng, phụng mệnh thực hiện hàng loạt tác phẩm đồ sộ. Từ Dương từng vẽ Cô Tô phồn hoa, khắc họa hơn 10.000 nhân vật, thực hiện trong 24 năm. Ông cũng là tác giả của Bình định Tây Vực hiến phu lễ, dài gần 19 m, miêu tả khoảng 8.000 nhân vật. Bức này được bán đấu giá ở mức 414 triệu nhân dân tệ (65 triệu USD) - cao nhất trong số tác phẩm thư họa Trung Quốc đấu giá năm 2021.

Theo VnExpress