Cơ hội mới về nhà ở cho công nhân

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:30, 08/04/2023

Quyết tâm từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp nhiều dự án nhà ở xã hội sớm hình thành ở Hải Dương.


Dự án khu nhà ở xã hội thuộc do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng Hudic làm chủ đầu tư đã được đưa vào sử dụng

Trò chuyện với những công nhân Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương), tôi thấy không ít người nghi ngại về tính khả thi của các dự án nhà ở xã hội đang được báo chí thông tin những ngày qua. Một số người cho rằng quá khó để mua được nhà ở xã hội, dành dụm tiền đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã mua được. Có công nhân lại nói chỉ có thể mua được nhà ở xã hội trên ti vi... Tại sao họ lại hoài nghi về chính sách nhà ở xã hội như vậy? 

Thực tế chương trình phát triển nhà ở xã hội của Hải Dương đã được nhắc đến từ lâu, thậm chí được nêu trong nghị quyết của HĐND tỉnh nhưng những dự án nhà ở đặc biệt này ở tỉnh ta vẫn chưa nhiều. Tại TP Hải Dương, đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhất tỉnh thì đến nay mới có 4 dự án. Toàn tỉnh cũng mới có hơn 20 dự án khu dân cư, khu đô thị được phê duyệt quy hoạch, trong đó đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội với diện tích hơn 50 ha. 

Những người thu nhập thấp khó có thể mua được nhà ở xã hội bởi thực tế hiện nay giá bán vẫn quá cao. Có thể lấy ví dụ, thời điểm này để mua một căn nhà ở xã hội tại TP Hải Dương, người mua phải bỏ ra ít nhất từ 500-600 triệu đồng, thậm chí có căn lên đến hơn 1 tỷ đồng. Với thu nhập trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng, người lao động không được chi tiêu bất cứ một khoản nào khác, dành toàn bộ số tiền trên để mua nhà ở xã hội thì cũng phải mất đến 6-7 năm. 
Để người dân được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội chắc chắn phải có sự đổi mới ngay từ khâu hoạch định chính sách, quy hoạch đất đai và sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Hải Dương đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế này. 

Quyết định số 74/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2023-2025 ban hành tháng 2 vừa qua đặt mục tiêu rõ ràng trong 3 năm sẽ có 371 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 16,3 triệu m2 (trong đó có 357 dự án phát triển nhà ở thương mại và 14 dự án nhà ở xã hội). Riêng năm 2023 sẽ triển khai 188 dự án (trong đó có 179 dự án phát triển nhà ở thương mại và 9 dự án nhà ở xã hội) với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 5,4 triệum2. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của chính quyền địa phương, sự đồng thuận vào cuộc của doanh nghiệp.

Với địa phương khi phê duyệt quy hoạch cần xác định rõ diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội và có thể tính toán trước được nhu cầu của người dân để có quy hoạch dài hạn và phù hợp, tránh cung vượt cầu. 

Gói tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng phải rõ ràng. Gói dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội bao nhiêu? Gói cho người thu nhập thấp vay mua như thế nào? Sự rõ ràng trên cơ chế đôi bên cùng có lợi, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp cho các dự án nhà ở xã hội có cơ hội thành công.

Ngày 3.4, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” với 5 nội dung rõ ràng. Đề án cũng chỉ rõ những khó khăn của việc phát triển nhà ở xã hội và đề ra những giải pháp rất cụ thể để thực hiện mục tiêu trên. Hy vọng với quyết tâm từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp cho các dự án nhà ở xã hội sớm hình thành và ước mơ an cư lạc nghiệp của người thu nhập thấp không còn quá xa vời. 

BẢO ANH

>>> 434 căn hộ thuộc khu nhà ở xã hội Nhị Châu đủ điều kiện bán, cho thuê
>>> Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
>>> Huy động nguồn xã hội hóa khoảng 849.500 tỷ đồng cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội