Chiến hạm, máy bay Trung Quốc bao vây Đài Loan từ bốn hướng

Tin tức - Ngày đăng : 16:45, 09/04/2023

Bắc Kinh đang tập trận cả bốn hướng quanh Đài Loan với tàu sân bay, loạt tên lửa tầm xa, chiến hạm, máy bay chiến đấu và tên lửa thông thường.


Chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận - Ảnh: REUTERS

Ngày 8.4, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu một cuộc tập trận mới quanh đảo Đài Loan mang tên "Liên Hợp Lợi Kiếm". 

Động thái nhằm đáp trả cuộc gặp tại Los Angeles giữa nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và nhóm nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy dẫn đầu.

Bao vây Đài Loan từ bốn hướng

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngay khi nhận được mệnh lệnh, nhiều quân chủng và đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu Đông Bộ của PLA đã nhanh chóng tới các khu vực mục tiêu và dàn thành đội hình chiến đấu.

Ngày đầu tiên của cuộc tập trận tập trung vào việc kiểm tra năng lực của lực lượng đặc nhiệm trong việc giành quyền kiểm soát vùng biển, vùng trời và thông tin dưới sự hỗ trợ của hệ thống hiệp đồng tác chiến.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định đảo Đài Loan đã bị bao vây từ mọi hướng.

Đoạn video Trung Quốc công bố về các hoạt động quân sự gần Đài Loan - Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu

Theo một đoạn video công bố ngày 9.4, PLA đã triển khai hệ thống rocket phóng loạt PHL-191, hải quân thì cử tàu khu trục Type 052C, tàu tên lửa Type 22 và tên lửa chống hạm trên đất liền YJ-12B.

Lực lượng không quân đã xuất kích các máy bay chiến đấu J-10C, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tiếp dầu YU-20, lực lượng tên lửa chiến lược huy động tên lửa đạn đạo thông thường DF-11 trong cuộc tập trận.

Các loại vũ khí và trang thiết bị khác, bao gồm máy bay tác chiến điện tử và máy bay ném bom, cũng tham gia cuộc tập trận.

Một video thứ hai được công bố cùng ngày cho thấy nhiều chi tiết hơn về cuộc tập trận. Hàng chục máy bay chiến đấu J-16 và J-10C, máy bay chống ngầm Y-8, máy bay ném bom H-6K, tàu khu trục Type 054A và tên lửa đạn đạo thông thường DF-15 đã được huy động.

Nhiều chiến hạm của hải quân PLA đã "nhanh chóng áp sát đảo Đài Loan, chiếm các vị trí thuận lợi và thực hành tấn công cận chiến, răn đe tầm xa và phòng không", theo CCTV.

Được hướng dẫn và hỗ trợ bởi máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử và máy bay tiếp dầu trên không, các máy bay chiến đấu của không quân PLA đã tiến hành các cuộc tập trận không chiến tầm trung và tầm xa.

Nhóm này sử dụng đội hình hỗn hợp, linh hoạt cùng với các chiến thuật gây nhiễu, đánh chặn để "nhanh chóng truy quét, tiêu diệt đối phương, giành và kiểm soát ưu thế trên không ở khu vực mục tiêu".

Cũng theo truyền thông Trung Quốc, để giành hoàn toàn lợi thế trên biển và trên không, các tàu chiến và máy bay chống ngầm đã phối hợp tập trận chống tàu ngầm ở vùng biển gần đảo Đài Loan.

Các lữ đoàn pháo binh của PLA và lữ đoàn tên lửa thông thường của lực lượng tên lửa chiến lược đã phối hợp với hải quân và không quân thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng vào các mục tiêu, nhằm kiểm tra hỏa lực phản ứng nhanh và khả năng tấn công chính xác tầm xa.

Như vậy, hiện Trung Quốc vẫn chưa bắn đạn pháo hay tên lửa đạn đạo nào về phía Đài Loan, mà chỉ mới dừng ở mức mô phỏng. Tuy nhiên, chính quyền Đài Bắc không loại trừ khả năng này trong vài ngày tới.

Quy mô sẽ không bằng đợt bà Pelosi?

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết tính đến trưa 9.4, họ đã phát hiện 58 máy bay Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom H-6, cũng như 9 tàu chiến xung quanh Đài Loan.

Ông Manoj Kewalramani, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Takshashila ở Bengaluru Ấn Độ, nhận định các cuộc tập trận lần này "sẽ không cùng quy mô như đã thấy sau chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8.2022 của bà Nancy Pelosi".

Ông Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá các cuộc tập trận đang diễn ra là "một phần của mô hình gây áp lực rộng lớn hơn nhắm vào Đài Loan".

Ông James Char, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu chiến lược và Quốc phòng của Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể đã đợi các quan chức châu Âu rời khỏi nước này trước khi phô trương lực lượng.

Theo ông Char, "Bắc Kinh đang cố gắng tái can dự với phương Tây", do đó phát động các động thái quân sự đối với Đài Loan "sẽ gây bất lợi cho tiến trình ngoại giao này".

Trung Quốc luôn khẳng định Đài Loan là một tỉnh của mình và tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực "giải phóng" bất kỳ lúc nào cần thiết.

Theo Tuổi trẻ