Kế hoạch tăng vốn gần 9.600 tỷ đồng của Bamboo Airways bất thành

Kinh tế - Ngày đăng : 14:11, 10/04/2023

Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways không tán thành phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ 9.570 tỷ đồng.


Phiên họp bất thường tại trụ sở Bamboo Airways ở Hà Nội sáng 10/4. Ảnh: Anh Tú

Cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP Hàng không Tre Việt sáng 10.4 có 93 cổ đông tham dự với hơn 1,73 tỷ cổ phần, chiếm khoảng 93% cổ phần có quyền biểu quyết. Phiên họp nhằm mục đích trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ Bamboo Airways.

Trong đó, hãng muốn phát hành 772 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 7.720 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản vay, hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thoả thuận của chủ nợ với công ty. Giá phát hành và tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 10.000 đồng một cổ phần, tương đương tỷ lệ 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phần phát hành thêm. Hội đồng quản trị Bamboo Airways xin đại hội đồng cổ đông uỷ quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.

Cùng với đó, Bamboo Airways cũng muốn phát hành thêm 185 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 1.850 tỷ đồng cho nhà đầu tư mới. Toàn bộ số cổ phần phát hành thêm này được ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu của công ty theo tỷ lệ sở hữu hiện có với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, tổng lượng cổ phần Bamboo Airways muốn phát hành thêm khoảng 957 triệu đơn vị, tương ứng số vốn tăng 9.570 tỷ đồng. Sau phát hành, số lượng cổ phần của hãng bay này dự kiến tăng lên hơn 2,8 tỷ, tương ứng vốn điều lệ trên 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu được công bố lúc hơn 11 giờ, hơn 979 triệu cổ phần có quyền biểu quyết không tán thành (tương ứng tỷ lệ 56,42%) với phương án phát hành này. Do vậy, Bamboo Airways chưa thể thực hiện chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ như dự kiến.

Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết sẽ làm việc lại với các cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn và sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn tại cuộc họp gần nhất. Theo lãnh đạo hãng, kế hoạch này nhằm hướng tới tái cơ cấu hiệu quả các khoản vay, đồng thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ.

Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải nói phương án phát hành này là tốt với hãng bởi giúp chuyển đổi từ vốn vay sang vốn chủ sở hữu. Cùng với đó, việc bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư mới sẽ giúp Bamboo Airways có thêm tiền để trả nợ chủ tàu, ngân hàng, nhà cung cấp và có thể mang thêm tàu bay về thời gian tới.

Tại cuộc họp hôm nay, cổ đông cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tình hình tài chính, kế hoạch IPO, thông tin nhà đầu tư mới, chủ nợ của Bamboo Airways. Tuy nhiên, lãnh đạo hãng chưa thể giải đáp chi tiết các thông tin này.

Ông Hải chỉ cho biết với tình hình thị trường giai đoạn vừa qua, năm ngoái Bamboo Airways vẫn lỗ. Theo Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng sẽ công bố thông tin cụ thể hơn tại phiên họp thường niên sắp tới bởi hiện nay đang hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Ông Hải nói rằng Bamboo Airways sẽ niêm yết cổ phiếu ngay khi đạt đủ các điều kiện ví dụ như trên HoSE là hai năm lãi liền trước đó. Còn về vấn đề nhà đầu tư mới, Bamboo Airways cũng chưa thể công bố thông tin do nhà đầu tư này vẫn chưa nắm trên 51% cổ phần.

Chủ tịch Bamboo Airways thông tin trong quý I, với việc đội tàu hoạt động hết công suất, hãng đã gần đạt điểm hòa vốn. Trong năm nay, Bamboo Airways dự kiến nhận thêm 6-8 tàu bay và 10 tàu giai đoạn 2024 - 2025.

"Bamboo Airways sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024 và có lãi từ năm 2025", ông Trọng chia sẻ. Trên cơ sở này, ông nói năm 2026, 2027 là thời điểm thích hợp để IPO cổ phiếu Bamboo Airways.

Theo VnExpress