[Audio] Vì sao HĐND cấp huyện, xã khó tổ chức tái giám sát?

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 14:10, 12/04/2023

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đa số HĐND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh Hải Dương chưa tổ chức được hoạt động tái giám sát. Việc này gặp khó do nhiều nguyên nhân.


Thường trực HĐND huyện Ninh Giang dự kiến tái giám sát sau cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018 - 2020. Trong ảnh: Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại xã Vĩnh Hoà. Ảnh: Thành Đạt

Ưu tiên giám sát vấn đề mới

Trong năm, HĐND cấp huyện, cấp xã có nhiều nội dung để giám sát, nhất là trong bối cảnh có nhiều vấn đề nóng như hiện nay. Tuy nhiên, số cuộc giám sát được thực hiện trong 1 năm còn ít. Do đó, nhiều nơi có xu hướng ưu tiên giám sát các vấn đề mới, nóng, thay vì tái giám sát.

Ở HĐND huyện Ninh Giang, mỗi năm Thường trực HĐND và các ban thực hiện 6 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó ưu tiên giám sát các nội dung theo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng năm, từng giai đoạn. Theo bà Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang, việc tổ chức tái giám sát gặp nhiều vướng mắc. "Lĩnh vực cần giám sát rất nhiều nhưng số cuộc thực hiện theo quy định và năng lực tổ chức được thì rất ít. Do đó, HĐND huyện cần lựa chọn nội dung thiết thực nhất, cấp thiết nhất để ưu tiên giám sát. Việc tái giám sát cũng vì thế mà hạn chế. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, huyện chưa tổ chức cuộc tái giám sát nào", bà Thủy cho biết.


Thường trực HĐND xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đã thực hiện giám sát bếp ăn tại trường học, đồng thời cho rằng việc tổ chức tái giám sát rất hiệu quả nhưng chưa làm được do nhiều nguyên nhân (ảnh cơ sở cung cấp)

Bên cạnh đó, việc tái giám sát cũng cần nhiều thời gian và phải chờ thời điểm thích hợp mới thực hiện được. Năm 2022, Thường trực HĐND huyện Ninh Giang thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn huyện, giai đoạn 2018 - 2020. Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang Trịnh Thị Thủy cho biết thêm Thường trực HĐND huyện muốn tái giám sát vấn đề này vì sau giám sát đã phát hiện rất nhiều vấn đề bất cập và đề nghị các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc tái giám sát xem đã thực hiện kiến nghị đến đâu cần chờ 1-2 năm để có thời gian cho cơ sở khắc phục. Một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, việc tái giám sát chỉ nên áp dụng với các vấn đề có tính lâu dài, thời điểm tái giám sát với từng vấn đề phải phù hợp, thường là 1-2 năm. 

Ngại "soi lại việc cũ" là tâm lý chung của nhiều đại biểu HĐND cấp huyện, xã khi giám sát. Trong khi đó, nhiều cơ sở phàn nàn vì số cuộc kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành chồng chéo nội dung, quá tải số lượng. 

"Nhiều khi ngại giám sát lại nội dung cũ vì cơ sở không hiểu mục đích thực sự của tái giám sát là theo dõi việc thực hiện kết luận sau giám sát mà cho rằng đại biểu HĐND đang làm trùng lặp gây mất thời gian. Một chủ thể nhưng có quá nhiều cuộc giám sát, kiểm tra của các cấp, ngành nên khi giám sát lại một nội dung đã giám sát thì khó tránh khỏi tâm lý này", ông Nguyễn Tá Tịnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết. 

Một số bất cập

Một số HĐND cấp huyện, cấp xã thực tế đã làm được hoạt động tái giám sát nhưng không thành cuộc, chủ yếu làm dưới dạng buổi làm việc hoặc chất vấn tại các kỳ họp sau giám sát cho nhanh gọn. Năm 2022, Thường trực HĐND TP Hải Dương giám sát chuyên đề về hiện trạng nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Sau giám sát, HĐND thành phố tiến hành chất vấn tại kỳ họp về lĩnh vực này, nhiều nội dung khác cũng đã đưa vào chất vấn tại các kỳ họp khác. Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hải Dương, đây cũng là một hình thức tái giám sát của HĐND thành phố và việc khó tổ chức các cuộc tái giám sát bài bản là hạn chế chung, cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.

Năm 2022, HĐND xã Đồng Tâm (Ninh Giang) đã giám sát về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ ba, thứ tư HĐND xã khóa XXV, nhiệm kỳ 2021-2026. Sau giám sát, Thường trực HĐND xã đã ban hành kết luận chỉ ra những hạn chế về tiến độ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm, kéo dài và kiến nghị với UBND xã xây dựng kế hoạch chấn chỉnh trong năm 2022. Tuy nhiên, sau đó Thường trực HĐND xã vẫn chưa nhận được kế hoạch triển khai, phân công tổ chức thực hiện của UBND xã. Để kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND xã tiếp tục tổ chức buổi làm việc với UBND xã và có công văn đề nghị UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận giám sát. Đây có thể được xem là một hình thức tái giám sát có hiệu quả mà một HĐND cấp xã đã làm được.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang áp dụng Nghị quyết số 6/2021/NQ-HĐND ngày 29.10.2021 Quy định một số chế độ, mức chi cho hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, kinh phí bồi dưỡng người chủ trì giám sát, khảo sát ở HĐND cấp xã là 60.000 đồng/người/buổi, thành phần dự họp là 30.000 đồng/người/buổi, các đối tượng phục vụ khác là 20.000 đồng/người/buổi. Mức chi này khá thấp khiến đại biểu HĐND không mấy mặn mà đi giám sát, tái giám sát. Với đặc thù của HĐND cấp xã, nhiều lúc khó triệu tập được đoàn giám sát, nhất là trong thời điểm ngày mùa nhiều công việc lao động, sản xuất cần thực hiện.

Nhiều đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cũng bày tỏ sự lúng túng khi các quy định về giám sát, tái giám sát ở cấp huyện, cấp xã chưa rõ ràng và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đại biểu HĐND 2 cấp này cũng chưa được tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ, kỹ năng lựa chọn vấn đề, thời điểm và cách thức thực hiện tái giám sát.

PHONG TUYẾT