Amazon ra công nghệ giúp các công ty phát triển công cụ chatbot riêng
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:57, 14/04/2023
Ngày 13.4, đơn vị điện toán đám mây của Amazon đã ra mắt công nghệ nhằm giúp các công ty khác phát triển công cụ chatbot riêng và dịch vụ tạo hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Microsoft Corp và Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) đã đưa công cụ chatbot sử dụng AI vào các sản phẩm như công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang nhắm đến thị trường lớn là bán công nghệ cho các công ty khác thông qua các dịch vụ đám mây.
Amazon Web Services (AWS), nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới, ngày 13.4 đã quyết định nhảy vào cuộc đua công nghệ AI mới nhưng bằng cách tiếp cận khác.
AWS sẽ cung cấp dịch vụ có tên Bedrock, cho phép các doanh nghiệp tùy chỉnh các mô hình nền tảng (công nghệ AI lõi có thể trả lời các câu lệnh bằng văn bản hoặc tạo ảnh), sử dụng dữ liệu riêng để tạo nên mô hình độc nhất.
OpenAI - công ty phát triển ChatGPT, là một ví dụ khi cung cấp dịch vụ tương tự, cho phép khách hàng có thể điều chỉnh các mô hình đằng sau công cụ chatbot này để tạo ra chatbot riêng.
Dịch vụ Bedrock sẽ cho phép khách hàng làm việc với các mô hình nền tảng độc quyền là Amazon Titan, đồng thời cung cấp cả những mô hình của các công ty khác như công ty khởi nghiệp AI21 Labs, Anthropic và Stability AI. Dịch vụ này sẽ cho phép các khách hàng của AWS thử nghiệm các công nghệ mà không phải tương tác trực tiếp với các máy chủ dữ liệu.
Phó Chủ tịch AI tạo sinh tại AWS, Vasi Philomin nêu rõ điều này sẽ giúp người dùng trải nghiệm dễ dàng hơn. Các máy chủ sử dụng kết hợp các chip AI của Amazon, cũng như chip của Nvidia Corp (nhà cung cấp chip lớn nhất cho lĩnh vực AI), qua đó giải quyết vấn đề hạn chế về nguồn cung chip hiện nay.
Công ty khởi nghiệp (startup) chuyên về phát triển chip trí tuệ nhân tạo (AI) Cerebras Systems hôm 28.3 cho biết họ đã phát hành các mô hình tích hợp AI mã nguồn mở tương tự ChatGPT cho cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp sử dụng miễn phí, trong một nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo thông báo, Cerebras đã phát hành bảy mô hình, tất cả đều được đào tạo trên siêu máy tính AI có tên Andromeda, bao gồm các mô hình ngôn ngữ nhỏ có 111 triệu tham số và một mô hình ngôn ngữ lớn hơn có 13 tỷ tham số. Một mô hình có càng nhiều tham số thì càng có thể thực hiện các chức năng tổng quát phức tạp hơn.
Cerebras cho biết các mô hình AI nhỏ có thể được triển khai trên điện thoại hoặc loa thông minh, trong khi các mô hình lớn hơn chạy trên máy tính cá nhân hoặc máy chủ. Công ty lưu ý các tác vụ phức tạp như tóm tắt đoạn văn lớn yêu cầu các mô hình quy mô lớn hơn.
Ngày 24.3, công ty khởi nghiệp về phần mềm Databricks, có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ, đã ra mắt bộ mã nguồn mở, sẽ cho phép các công ty khác sử dụng và tạo ra những chatbot với khả năng sánh ngang ChatGPT của OpenAI.
Bộ mã nguồn mở mới về cơ bản là một mô hình trí thông minh nhân tạo (AI) - một thuật toán được lập trình và “huấn luyện” dựa trên các tập dữ liệu, sau đó nó có thể “học hỏi” từ những dữ liệu mới để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau.
Databricks hiện có doanh thu chính trong mảng bán phần mềm phân tích và khai thác dữ liệu đám mây cho các doanh nghiệp. Năm ngoái công ty đã vượt mốc doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Databricks muốn các doanh nghiệp tự huấn luyện mô hình AI của riêng họ nhờ vào mã nguồn mở của công ty. Ghodsi nói rằng các nhà nghiên cứu của công ty đã sử dụng một mô hình AI hai năm tuổi được cung cấp miễn phí, sau đó huấn luyện nó với một lượng dữ liệu nhỏ trong 3 giờ trên một chiếc máy tính duy nhất.
Động thái của Databricks diễn ra vào thời điểm các công ty khời nghiệp đang kêu gọi và bỏ ra hàng triệu USD tiền vốn để huấn luyện nhiều mô hình trí thông minh nhân tạo của họ. Trong khi đó, những ông lớn trong ngành công nghệ như Google hay Meta thì lại gấp rút thu nhỏ chi phí và quy mô phát triển các mô hình AI, để tập trung hơn vào việc cải thiện độ chính xác của chúng.
Theo TTXVN