[Audio] Chơi gì, xem gì ở phố đi bộ, chợ đêm?
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 15/04/2023
Tại phố đi bộ, chợ đêm, nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống
Còn gần nửa tháng nữa phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng (TP Hải Dương) sẽ khai trương. Mô hình được kỳ vọng sẽ giúp thành phố khai thác, phát huy tốt dịch vụ thương mại, du lịch về đêm. Khi phố đi bộ, chợ đêm đi vào hoạt động nền nếp thì đến đây người dân và du khách chơi gì, xem gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Đa dạng các hoạt động
Phố đi bộ, chợ đêm sẽ được chia thành 4 phân khu, mỗi khu sẽ có các hoạt động đặc trưng. Theo Tiểu ban văn hóa nghệ thuật - khánh tiết của Ban Chỉ đạo tổ chức phố đi bộ, chợ đêm, nhân dân và du khách yêu văn hóa văn nghệ sẽ được thưởng thức nghệ thuật truyền thống do các diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn trên thuyền rồng đi trên sông Sặt và khu vực đường Bạch Đằng đối diện phố Trần Thủ Độ.
Không chỉ quy tụ các ca sĩ, diễn viên ở TP Hải Dương, phố đi bộ, chợ đêm còn có sự tham gia của các câu lạc bộ huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ... biểu diễn các làn điệu chèo, tuồng, ca trù.
Dự kiến, phố đi bộ, chợ đêm còn có các trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Hải Dương như pháo đất, múa rối nước do các đội pháo, phường rối nước ở một số huyện như Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang tham gia.
Cũng tại khu vực này, học sinh Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hải Dương sẽ biểu diễn âm nhạc hiện đại, các nhóm nhảy, biểu diễn dân vũ. Các họa sĩ, nhà thư pháp sẽ vẽ chân dung, thư pháp theo yêu cầu của nhân dân và du khách.
Trong thời gian cuối tuần diễn ra phố đi bộ, chợ đêm, những người yêu hoa sẽ được tham dự triển lãm hoa lan khoe sắc do câu lạc bộ những người yêu hoa lan TP Hải Dương tổ chức tại Quảng trường Thống Nhất.
Trò chơi dân gian bắt chạch trong chum là một trong các hoạt động sẽ được tổ chức tại phố đi bộ, chợ đêm TP Hải Dương
Trong khuôn khổ của phố đi bộ, chợ đêm, Thư viện tỉnh Hải Dương sẽ bố trí không gian trưng bày và giới thiệu sách trong khuôn viên của thư viện; giới thiệu sách, quảng bá sách mới của các nhà sách, nhà xuất bản; bán sách với giá ưu đãi.
Để phố đi bộ, chợ đêm phù hợp với đa dạng đối tượng, lứa tuổi, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao TP Hải Dương đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hải Dương dự kiến tổ chức nhiều hoạt động để thu hút thanh niên, thiếu niên, nhi đồng như các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống và trò chơi dân gian: làm gốm, làm cốm, đập niêu, bắt chạch trong chum. Ban tổ chức bố trí các gian hàng nước truyền thống bán nước chè tươi, nước vối, kẹo lạc, kẹo dồi...
Theo Tiểu ban văn hóa nghệ thuật - khánh tiết, để vận hành phố đi bộ, chợ đêm, Ban Chỉ đạo huy động đông đảo các đơn vị, tổ chức tham gia. Ngoài Thư viện tỉnh Hải Dương, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Nhà hát Chèo, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật... còn có Thành đoàn Hải Dương, ngành giáo dục thành phố, các nhóm nhảy, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động đã được giao cụ thể và xây dựng đến hết ngày 31.12 năm nay.
Tích cực chuẩn bị
Những ngày này, các ca sĩ, diễn viên, nhạc công Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nhà hát Chèo cùng các đơn vị đang gấp rút tập luyện để chuẩn bị phục vụ tại phố đi bộ, chợ đêm. Biểu diễn tại phố đi bộ dù không yêu cầu cao về kỹ thuật như tại các chương trình nghệ thuật khác song các ca sĩ, diễn viên, nhạc công đều tập luyện nghiêm túc để mang đến nhân dân và du khách các màn biểu diễn hấp dẫn.
Theo Thành đoàn Hải Dương, để phục vụ phố đi bộ, chợ đêm, đơn vị sẽ huy động số lượng lớn đoàn viên thanh niên thuộc các phường, xã tham gia. Ngoài phối hợp tổ chức các hoạt động, từ ngày khai trương 28.4 đến hết năm 2023, Thành đoàn sẽ chịu trách nhiệm chính 75 hoạt động.
Thành đoàn Hải Dương sẽ tổ chức cho các câu lạc bộ, nhóm nhảy biểu diễn phục vụ tại phố đi bộ, chợ đêm
Các hoạt động do đơn vị tổ chức sẽ phù hợp và được kỳ vọng sẽ thu hút số lượng lớn thanh niên, thiếu niên đến với phố đi bộ. Tại đây, Thành đoàn sẽ tổ chức cho các câu lạc bộ, nhóm nhạc, nhóm nhảy biểu diễn hiphop, dance sports, dân vũ hiện đại. Giao lưu câu lạc bộ các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh, sinh viên tại Hải Dương, biểu diễn âm nhạc hiện đại, biểu diễn các xu hướng Tik Tok, trào lưu cosplay, flashmood được giới trẻ yêu thích. Ngoài ra, Thành đoàn Hải Dương sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu, nặn tò he, làm gốm, bắt chạch trong chum...
Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao TP Hải Dương cho biết đến thời điểm này ban tổ chức đã nhận được đơn đăng ký tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức trò chơi của khoảng 50 tổ chức, cá nhân. Ban tổ chức tiến hành xét duyệt, bảo đảm phù hợp với các tiêu chí của phố đi bộ, chợ đêm.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết văn hóa văn nghệ, trò chơi là các hoạt động sẽ thu hút người dân và du khách đến với phố đi bộ, chợ đêm. Tuy vậy, các hoạt động biểu diễn, nội dung, trang phục cần phù hợp. Ban tổ chức có thể thẩm định qua các video clip các tổ chức, cá nhân gửi về.
Phố đi bộ, chợ đêm lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Tuy vậy, làm cách nào để duy trì tốt hoạt động này cũng còn nhiều băn khoăn, rất cần ý kiến của đông đảo người dân. Phố đi bộ, chợ đêm được tổ chức tại khu vực không gắn với các khu phố thương mại, không có nhà dân như tại một số tỉnh, thành phố khác có thể khiến không gian của phố đi bộ, chợ đêm bị "loãng". Có ý kiến cho rằng nên kéo dài thời gian tổ chức, thay vì dừng tất cả các hoạt động lúc 22 giờ...
TIẾN HUY
>>> Tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng có 4 phân khu long, lân, quy, phụng
>>>[Video]Tiền đề để phát triển kinh tế đêm ở Hải Dương