Công nhân ham đọc sách

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:25, 16/04/2023

Để lan tỏa văn hóa đọc, không ít doanh nghiệp tại Hải Dương duy trì mô hình thư viện công nhân, góc đọc thân thiện, giới thiệu sách trên tạp chí nội bộ…


Thư viện của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam được xây dựng từ năm 2011 với hơn 1.200 đầu sách

Với những cách làm này, chủ các doanh nghiệp đã góp phần giúp công nhân, người lao động thêm yêu thích đọc sách.

Đầu tư cho văn hóa đọc

“Cuốn sách này hay lắm! Em thường đọc trước khi đi ngủ. Nếu chị muốn mượn về nhà thì ra gặp chị quản lý đăng ký. Mỗi lần mượn được vài cuốn tha hồ đọc!". Chị Lê Thị Nguyệt ở phường Đại Phúc (TP Bắc Ninh) tận tình hướng dẫn chị Hồ Thị Nguyệt Dinh ở huyện Than Uyên (Lai Châu) mới vào làm hơn 1 tháng ở Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) về cách mượn sách ở thư viện công ty như thế. 

“Những lúc rảnh rỗi tôi thường lên thư viện của công ty đọc sách cùng mọi người. Ở đây không gian yên tĩnh, thoáng mát và có rất nhiều sách bổ ích như chăm sóc sắc đẹp, dạy nấu ăn, truyện ngắn, tiểu thuyết… Không chỉ công nhân lớn tuổi mà mấy bạn trẻ cũng đến đọc”, chị Nguyệt nói.

Công việc bận rộn, làm việc cả ngày ở nhà máy, những tưởng công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam không có thời gian đọc sách, nhưng ngược lại, rất nhiều người chăm chỉ đến thư viện. Bình quân mỗi tháng có khoảng 200 lượt công nhân đến thư viện công ty đọc sách. Nhiều người còn mượn sách về đọc.

Chị Phạm Thị Hoài, Phó Trưởng Phòng Hành chính công ty cho biết: “Thư viện hoạt động từ tháng 7.2011, nằm trong khuôn viên khu vui chơi, giải trí của ký túc xá. Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã khảo sát, đánh giá nhu cầu vui chơi, giải trí của công nhân, người lao động và đã có rất nhiều người mong muốn thành lập thư viện”. Hiện thư viện có hơn 1.200 đầu sách với nhiều loại khác nhau. Công nhân có thể đến thư viện đọc hoặc mượn về nhà. Thư viện có đầy đủ bàn ghế, điều hòa và có người quản lý riêng.

Trong quỹ chi tiêu của chị Nguyễn Thị Ngát, công nhân Công ty TNHH một thành viên Masan HD ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) luôn có một khoản dành để mua sách. Với chị Ngát, tình yêu sách được bố "gieo" từ nhỏ nên dù bận rộn chị vẫn dành thời gian để đọc và sưu tầm sách. Chị Ngát cho biết không ít người lao động hiện nay mải mê đi làm, về đến nhà lại xem điện thoại hoặc "cày" game, nhưng với chị, đọc sách vẫn đem lại những giá trị riêng. “Sách cho tôi kiến thức, khoảnh khắc bình yên, thanh thản sau những giờ lao động mệt nhọc. Đặc biệt, đọc sách trước khi đi ngủ còn giúp tôi sâu giấc hơn”, chị Ngát nói. Chị Ngát thường tranh thủ những ngày nghỉ lên Thư viện tỉnh mượn sách. Những lúc dư dả thời gian hơn thì rủ bạn bè lên Hà Nội mua sách về đọc. Những cuốn sách chị mua đọc xong đều được gửi về quê chia sẻ cho các em, các cháu trong họ.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, có rất nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương quan tâm xây dựng thư viện, góc đọc phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc thường chú trọng xây dựng thư viện sách cho công nhân hơn. 

Chị Trần Thị Lý, Trưởng nhóm Truyền thông và Đối ngoại Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) cho biết ban lãnh đạo công ty đa phần là người Nhật Bản nên rất coi trọng văn hóa đọc. Ở Nhật Bản, văn hóa đọc được đưa vào Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (ban hành năm 2001), Luật Chấn hưng văn hóa đọc (ban hành năm 2005). “Vì vậy, ban giám đốc công ty rất muốn lan tỏa văn hóa đọc trong công nhân, người lao động thông qua nhiều hình thức”, chị Lý khẳng định.  


Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam đã xây dựng chuyện mục “Sách hay đời đổi thay” thường xuyên giới thiệu sách mới trên tạp chí nội bộ 

Hình thành thói quen

“Thời đại 4.0, công nghệ khiến nhiều người lãng quên thói quen đọc sách giấy nhưng với tôi cách đọc sách truyền thống vẫn có những nét hay riêng cần được duy trì”. Với quan niệm này nên anh Nguyễn Đức Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Đức Trung Nhật (TP Hải Dương) dù bận rộn vẫn dành khoảng 1 tiếng đọc sách mỗi ngày. Anh Quyền cho biết nhiều người thường nhắc đến văn hóa đọc trong nhà trường, dòng họ mà ít khi đề cập đến vấn đề này tại các doanh nghiệp. Sách dành cho mọi lứa tuổi nên công nhân, lao động cũng nên đọc sách.

Để lan tỏa tình yêu sách tới người lao động trong công ty, có sách mới là anh Quyền giới thiệu hoặc sẵn sàng chia sẻ với nhân viên, công nhân của mình. Theo anh Nhật, để công nhân, người lao động yêu và thích đọc sách trước hết phải hình thành từ chính thói quen của chủ doanh nghiệp. 

Thư viện cũng là một trong những thiết chế văn hóa có ý nghĩa tại các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu giải trí của công nhân, người lao động. Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa đọc nói chung và cách đọc sách của người lao động nói riêng đã có nhiều thay đổi. Chị Trần Thị Lý, Trưởng nhóm Truyền thông và Đối ngoại Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam chia sẻ: "Thay vì chỉ chú tâm vào đọc sách trực tiếp, chúng tôi còn chia sẻ sách trực tuyến. Tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp đã triển khai mục Sách hay cho đời đổi thay trên bản tin nội bộ, xuất bản hằng quý. Tại đây, cán bộ, nhân viên, người lao động từ tất cả các bộ phận có thể chia sẻ về cuốn sách mà mình tâm đắc".

 Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”. Để thực hiện chương trình này, việc xây dựng các thư viện, góc đọc, hay phát động phong trào đọc sách trong công nhân, lao động rất cần được lan tỏa rộng rãi.

HẢI MINH