Vì sao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Giang tăng 29 bậc?
Kinh tế - Ngày đăng : 21:12, 19/04/2023
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang
Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh khi thứ hạng PCI cải thiện 29 bậc và điểm số tăng 8,06 điểm so với 2021.
Có hai chỉ số dẫn đầu cả nước
Chỉ số PCI 2022 đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Theo báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2022, chỉ số PCI của Bắc Giang đứng thứ 2/63 tỉnh, thành với điểm số 72,80 điểm (thang điểm 100), chỉ kém đơn vị dẫn đầu là tỉnh Quảng Ninh 0,15 điểm. Bắc Giang đã có bứt phá ngoạn mục, cải thiện 29 bậc và đây là năm đầu tiên Bắc Giang vươn lên xếp ở vị trí Á quân trong bảng xếp hạng PCI cả nước.
Đối với 10 chỉ số thành phần của báo cáo PCI, Bắc Giang có 9 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”,, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, “Đào tạo lao động”, “Chi phí không chính thức”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, “Chi phí thời gian”, “Tiếp cận đất đai”, “Tính minh bạch”. Một chỉ số thành phần giảm điểm là “Gia nhập thị trường”.
Trong các chỉ số thành phần tăng điểm, có hai chỉ số dẫn đầu cả nước đó là “Chi phí không chính thức” và “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”. Ba chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” và “Cạnh tranh bình đẳng” có sự bứt phá mạnh mẽ cả về điểm số lẫn xếp hạng so với năm 2021.
Trong đó, chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” tăng 1,96 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 58 bậc so với năm 2021); chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” tăng 1,61 điểm, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố (tăng 39 bậc so với năm 2021); chỉ số thành phần “Cạnh tranh bình đẳng” tăng 1,33 điểm, xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố (tăng 31 bậc so với năm 2021).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Thủy cho rằng, kết quả trên là nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Từ đó, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Giang đã có bước tiến mạnh mẽ, phản ánh chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh; tạo dựng niềm tin giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Với vị trí Á quân trên bảng xếp hạng PCI 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Thủy cho biết, tỉnh luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, liên tục; là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.
Đồng thời, cũng là sự khẳng định về hình ảnh, vị thế của địa phương, khát vọng phát triển vươn lên của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Vì vậy, để nâng hạng chỉ số này, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ mà nghị quyết đã giao; trong đó, giải pháp quyết liệt tỉnh thực hiện là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Điều đó được thể hiện thông qua việc Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp nhận nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị đầu mối cải thiện 3/10 chỉ số thành phần PCI; 7 chỉ số thành phần còn lại được phân công trực tiếp cho 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách.
Bắc Giang cũng quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, thực chất. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Các sở, ngành và địa phương thực hiện tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tối thiểu 2 lần/năm. Bên cạnh đó, mỗi quý, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các tổ chức hội doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh, đồng thời tham mưu các giải pháp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Để đề cao tính minh bạch trong việc tiếp cận thông tin, ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” qua đó giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm được chủ trương, định hướng quy hoạch, phát triển của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.
Cùng với đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương và tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức triển khai khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và các huyện/thành phố (DDCI), qua đó tạo động lực cải cách mạnh mẽ, liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ đó tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Quý I năm 2023 Bắc Giang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 20,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Để Bắc Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thời gian tới Bắc Giang tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp nâng hạng chỉ số PCI; trong đó, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ động và dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương khác để có những giải pháp tạo đột phá trong việc cải thiện các chỉ số do mình được phân công, phụ trách.
Thực hiện các biện pháp cụ thể để lan tỏa, khơi dậy tinh thần sáng tạo, tính chủ động và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ tại cơ quan, đơn vị, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, đưa nội dung kết quả cải thiện chỉ số PCI vào trong báo cáo tháng của các cơ quan, đơn vị; từng quý, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện.
Mỗi 6 tháng, lãnh đạo UBND tỉnh được phân công tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện một lần. Cùng đó, tỉnh tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, thực chất; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn lại Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tiến hành đôn đốc, kiểm tra và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp chậm triển khai, kéo dài thời gian thi công hạ tầng và đưa dự án đi vào hoạt động. Nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát mức giá thuê hạ tầng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TheoTTXVN