Đề nghị phạt tù chung thân đối với ''tiến sỹ dạy làm giàu''
Pháp luật - Ngày đăng : 21:44, 21/04/2023
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)
Sau 3 ngày xét xử, chiều 21.4, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT) lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Hải tù chung thân. Tuy nhiên, sau đó vụ án được Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, điều tra để xét xử lại.
Bản luận tội nêu rõ hành vi phạm tội của bị cáo Hải là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản của 574 người với tổng số tiền còn chiếm đoạt hơn 558 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo không những xâm phạm đến quyền và tài sản của người dân, mà còn gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân về nhận biết loại hình tội phạm huy động vốn đa cấp biến tướng nguy hiểm.
Bị cáo Phạm Thanh Hải có nhiều tình tiết tăng nặng như: lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội nhiều lần với giá trị tài sản chiếm đoạt mỗi lần từ 500 triệu đồng trở lên…
Mặc dù Phạm Thanh Hải khai nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố nhưng bị cáo không nhận thức được đây là hành vi phạm tội.
Với số tiền bị cáo Hải chiếm đoạt đặc biệt lớn, tính chất hành vi nghiêm trọng, công tố viên cho rằng cần thiết phải áp dụng mức án tù không xác định thời hạn đối với bị cáo thì mới có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.
Theo cáo trạng, bị cáo Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy cách làm giàu. Hải tự giới thiệu mình là tiến sỹ, có tài đầu tư, kinh doanh; giới thiệu Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp "tỷ đô" macca, có siêu dự án...
Để thu hút nhiều người góp vốn, Hải đưa ra mức lãi suất 40-50%/năm, trả lãi ngay khi nộp tiền; đồng thời, mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi 2-10% tiền "thưởng kết nối" dành cho những người môi giới hợp đồng mới; tổ chức cho các "nhà đầu tư" đi liên hoan, du lịch...
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Hải đã huy động vốn và trả lãi cao. Bị cáo lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Huy động tiền cho cá nhân nhưng bị cáo lại sử dụng chức danh là tổng giám đốc công ty, con dấu công ty trong các hợp đồng.
Sau khi có tiền, Hải đã sử dụng vào các mục đích cá nhân, trái với thỏa thuận trong hợp đồng mà không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Đại diện Viện Kiểm sát xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo Hải đã hoàn thành từ lúc nhận tiền.
Cơ quan tố tụng xác định được trong vòng một năm, từ tháng 10.2014 đến tháng 10.2015, có 574 nhà đầu tư là bị hại đã góp vốn cho Hải với tổng số tiền theo phiếu thu là hơn 664 tỷ đồng, Hải đã chi trả số tiền lãi là trên 75 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định hiện bị cáo Hải còn chiếm đoạt hơn 588 tỷ đồng của những bị hại nói trên. Hiện, bị cáo Hải mất khả năng thanh toán tiền cho các nhà đầu tư.
Theo TTXVN