[Audio] Lợi ích kép khám chữa bệnh từ xa
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:15, 22/04/2023
Nhân viên y tế Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa xử lý một ca bệnh bị nhồi máu cơ tim vừa nhìn vào màn hình để nghe chuyên gia bệnh viện tuyến trên hướng dẫn trực tuyến
Tốt cho bệnh nhân
Sau 10 ngày điều trị tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sức khoẻ của ông N.X.H. ở huyện Kim Thành đã qua cơn nguy kịch và đang tiến triển tốt. Ngày 9.4, ông H. nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ đã làm các xét nghiệm, chụp X-quang rồi liên hệ với chuyên gia tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) để hội chẩn trực tuyến. Sau khi đã thống nhất, họ tiến hành can thiệp động mạch vành và giúp ông H. giữ được mạng sống.
“Những ca bệnh như thế này trước đây thường phải chuyển tuyến trên. Nay chúng tôi đã có thể tự tin giải quyết nhờ sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành. Mấy hôm trước, chúng tôi cũng hội chẩn trực tiếp với tuyến trên để cứu sống một cụ ông 98 tuổi cũng bị nhồi máu cơ tim cấp”, tiến sĩ, bác sĩ Hà Quang Tạo, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương dùng 3 từ “rất giá trị” khi nói về hiệu quả của việc khám chữa bệnh từ xa. Cách đây 5-6 năm, bệnh viện bắt đầu triển khai khám chữa bệnh từ xa, phối hợp với Bệnh viện Việt Đức để hội chẩn, giải quyết các ca bệnh khó. Hiệu quả mang lại rõ rệt, bệnh viện tiếp tục phối hợp với nhiều bệnh viện tuyến Trung ương để khám chữa bệnh từ xa như Bạch Mai, Nhi, K, Ung bướu Hà Nội, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Bệnh nhiệt đới Trung ương… Việc khám chữa bệnh từ xa đã được triển khai ở hầu hết các chuyên khoa. Cứ có ca bệnh khó là các bác sĩ sẽ liên hệ ngay với các chuyên gia ở bệnh viện tuyến trên để hội chẩn trực tuyến thông qua bộ khám chữa bệnh từ xa (gồm màn hình tivi, camera, phần mềm, đường truyền internet). Nếu là ca bệnh nguy kịch, cần cấp cứu nhanh thì gọi video trên điện thoại thông minh. Các chuyên gia trực tiếp nhìn thấy bệnh nhân, vừa nghe bác sĩ tuyến dưới báo cáo tình hình, từ đó xác định đường hướng giải quyết tốt nhất có thể.
“Những ca chấn thương sọ não, gặp các bệnh lý về tim mạch nặng nếu chuyển tuyến trên thì nguy cơ tử vong giữa đường rất cao. Nhưng khi phối hợp khám chữa bệnh từ xa thì bệnh nhân được xử lý ngay tại chỗ. Họ không phải di chuyển mà còn được khám chữa bệnh chất lượng cao, giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Đức phân tích.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương Nguyễn Văn Hải cũng đánh giá rất cao những giá trị mà khám chữa bệnh từ xa mang lại. Hai năm trước, bệnh viện thu dung, điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Để kịp thời cấp cứu nhiều bệnh nhân, khám chữa bệnh từ xa là giải pháp tối ưu được bệnh viện triển khai. Không ít ca bệnh khó thông qua công tác hội chẩn trực tuyến đã được giải quyết thuận lợi.
Hiện tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và 12 Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khám chữa bệnh từ xa; 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 12 trung tâm phối hợp thực hiện việc này với Bệnh viện Việt Đức… Tất cả Trung tâm Y tế tuyến huyện đều kết nối với các bệnh viện tuyến tỉnh để khám chữa bệnh từ xa. Bệnh viện Phổi Hải Dương lập nhóm “Chẩn đoán X-quang phổi” trên Zalo để khám chữa bệnh từ xa với Trung tâm Y tế tuyến huyện. Trung tâm Y tế một số địa phương còn phối hợp khám chữa bệnh từ xa với cả trạm y tế tuyến xã…
Nhân viên y tế Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa xử lý một ca bệnh bị nhồi máu cơ tim vừa nhìn vào màn hình để nghe chuyên gia bệnh viện tuyến trên hướng dẫn trực tuyến (ảnh do cơ sở cung cấp)
Giá trị đối với bác sĩ
Chiều 19.4, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội chẩn trực tiếp 2 ca bệnh khó ở hai tỉnh Tiền Giang và Hải Dương. Trong đó, Bệnh viện Phổi Hải Dương báo cáo xin phương án xử lý một ca bệnh mắc ung thư di căn hạch nhiều nơi, u phổi chưa loại trừ thứ phát, tuyến giáp to, thoát vị bẹn, tràn dịch màng ngoài tim. Tham dự buổi hội chẩn, cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Phổi Hải Dương đã được trực tiếp trao đổi, nghe các phương án điều trị do một số giáo sư, tiến sĩ y khoa và đại diện Bệnh viện Phổi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm.
“Thông qua hội chẩn, chúng tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để xử lý những ca bệnh tương tự sau này”, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương nói.
2 năm trước, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Ly, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ trực tiếp xử lý một bệnh nhân bị chảy máu cấp, dừng tuần hoàn sau khi sinh mổ. Trong tình thế cấp bách, thông qua hội chẩn trực tuyến, chị được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, sau đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương hướng dẫn cách xử trí.
“Bệnh nhân được chúng tôi chuyển thẳng lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phải truyền 37 đơn vị máu trên đường di chuyển và sau đó đã được cứu sống. Từ việc giải quyết những ca bệnh khó thế này giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, bác sĩ Ly chia sẻ.
Lãnh đạo, bác sĩ tại nhiều cơ sở y tế khẳng định khám chữa bệnh từ xa đã giúp họ trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong chẩn đoán, xử lý những ca bệnh khó, góp phần quan trọng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân. Nhân dân cũng ngày càng tin tưởng hơn vào hệ thống y tế tuyến tỉnh và cơ sở.
BÌNH MINH