Thích trẻ con nhưng ngại đẻ

Gia đình - Ngày đăng : 15:44, 22/04/2023

Những người trẻ dường như thấy áp lực về việc phải có con từ bạn bè, gia đình và các nhóm xã hội.

Michelle Lim, 32 tuổi, từng nghĩ sẽ có con sau hai, ba năm kết hôn, nhưng khi sự nghiệp trên đà thăng tiến, cô lại hoãn kế hoạch.

Vợ chồng Lim dư dả về tài chính, đủ khả năng sinh hai con nhưng điều khiến cô lo ngại là những sự cố phát sinh trong quá trình nuôi dạy khiến phải tạm ngưng sự nghiệp.

"Điều tồi tệ khi sinh con mà không thể dành 100% sức lực để nuôi dạy. Đó là điều bất công cho đứa trẻ", người phụ nữ kết hôn được 10 năm nói.

Lim là đại diện cho thế hệ người trẻ ở Singapore đặt câu hỏi về nhu cầu sinh sản, bất chấp các thế hệ trước và chính quyền liên tục thúc giục các cặp vợ chồng thực hiện nghĩa vụ.

"Nhưng để làm gì?" cũng là câu hỏi của Candice Wang, 27 tuổi, khi bị bạn bè hoặc người thân chất vấn về quyết định không sinh con.

Khi còn là một thiếu niên, Wang luôn mơ ước về cuộc hôn nhân với một, hai đứa con khi bước qua tuổi 20. "Tôi rất thích trẻ con, nhưng cuộc sống này luôn khó hiểu và căng thẳng. Tại sao lại mang một đứa trẻ đến thế giới và bắt chúng chịu đựng?", Wang nói. Cô tin trong một xã hội ngày càng cạnh tranh, muốn chăm lo cho một đứa trẻ bắt buộc phải có tiền.


Nhiều người trẻ Singapore đang trì hoãn việc sinh con vì gánh nặng kinh tế. Ảnh minh họa: Rafa Estrada

Cuộc khảo sát năm 2021 do Ban Nhân tài và Dân số quốc gia Singapore (NPTD), trực thuộc Nhóm chiến lược tại Văn phòng Thủ tướng, cho thấy 92% người đã kết hôn muốn có hai con trở lên. Nhưng thực tế, 51% trong số này hiện có một hoặc không sinh con. Thăm dò của YouGo thực hiện tháng 2.2023 cho thấy 25% số người ở độ tuổi 18-55 nói rằng ngại đẻ.

Tổng tỷ suất sinh của Singapore đang mức thấp nhất là 1,05 vào năm 2022, dưới mức kỷ lục trước đó là 1,1 vào năm 2020, cách xa tỷ lệ thay thế là 2,1.

Thậm chí, tuổi thọ bình quân từ lúc sinh của cư dân hiện nay tăng lên hơn 83 tuổi (từ 72 tuổi vào năm 1980). Khoảng 1/4 công dân sẽ từ 65 tuổi lên vào năm 2030. Các quốc gia như Hàn Quốc (hiện có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới khi ở mức 0,78) đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Hay tại Nhật Bản, phụ tá của Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo đất nước có thể biến mất nếu tình hình không được cải thiện.

Cindy Khoo, thư ký Nhóm chiến lược của Thủ tướng, nhấn mạnh dân số Singapore già đi với tốc độ đáng báo động. Những tác động sẽ được cảm nhận rõ hơn nhiều người nghĩ. "Họ nghĩ điều này sẽ xảy ra vào năm 2040-2050, nhưng trên thực tế chỉ còn 7 năm nữa. Khi đó, tỷ lệ người trưởng thành đi làm so với người trên 65 tuổi là 2:1, thay vì 3:1 như hiện nay. Con số này sẽ tăng thêm 33% vào năm 2030", bà Cindy nói.

Tuy nhiên, khoảng 40% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của YouGov dưới 35 tuổi không quan tâm đến tỷ lệ sinh thấp.

Nhà xã hội học Tan Poh Lin, người nghiên cứu về tỷ lệ sinh của Singapore, cho biết có ba khía cạnh khiến mọi người quyết định có nên sinh hôn hay không là: Trẻ em đóng góp như thế nào vào hạnh phúc gia đình từ góc độ kinh tế; giá trị tình cảm của việc có con; và ảnh hưởng của vai trò làm cha mẹ với địa vị xã hội.

"Nếu nhìn cả ba khía cạnh, giá trị của việc có con thực sự giảm sút", giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.

Marsiat Jahan, 27 tuổi, khẳng định lấy chồng, đẻ con vẫn nằm trong kế hoạch, nhưng chỉ thực hiện nếu có thu nhập và nơi ở ổn định.

Jahan thừa nhận muốn trở thành một bà mẹ nội trợ để toàn tâm lo cho con. Nhưng chi phí nuôi dạy quá lớn khiến cô chần chừ. Nếu tiếp tục đi làm, cô phải đối mặt với sự căng thẳng khi vừa làm việc, làm mẹ. Đó cũng là điều khiến cô gái 27 tuổi vẫn trì hoãn việc có con.

"Chi phí sinh hoạt ở Singapore rất cao, nếu muốn mang lại tương lai tốt đẹp cho con, bạn cần phải có tiền", Jahan nói.

Để giải quyết tình trạng này, Singapore đã đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích hỗ trợ hôn nhân và làm cha mẹ. Hồi tháng 2, chính phủ nước này đã tăng khoản trợ cấp tiền mặt "Tiền thưởng cho trẻ sơ sinh" thêm 3.000 SGD (53 triệu đồng), giải ngân mỗi 6 tháng đến khi trẻ 6,5 tuổi.

Về lĩnh vực nhà ở, các khoản trợ cấp dành cho gia đình lần đầu tiên mua căn hộ lên tới 30.000 SGD.

Nhưng chi phí nuôi dạy trẻ ngày càng tăng. Tư tưởng con cái phải trả công nuôi dưỡng của cha mẹ không tồn tại ở Singapore. Điều này khiến nhiều người tìm đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và tiền tiết kiệm của chính mình.

Quan niệm sống thay đổi khiến nhà xã hội học Tan Poh Lin nhận định: "Trẻ em ngày nay không phải là khoản đầu tư tốt".

Nhưng Camille Tan, 28 tuổi và người yêu tên Teryl không đồng ý với quan điểm này. Họ cho rằng cha mẹ không nên xem con cái là khoản đầu tư để nghỉ hưu. Cặp đôi đã hẹn hò gần hai năm và không có ý định sinh con, bất chấp sự thúc giục của gia đình.

Trong cuộc khảo sát của YouGov, những người trẻ dường như thấy áp lực về việc phải có con từ bạn bè, gia đình và các nhóm xã hội. 33% những người dưới 35 tuổi và 18% trên 35 tuổi đồng tình với nhận định này.

"Nhiều cặp đôi lo lắng về quyết định không sinh con bởi sợ không có người chăm sóc lúc về già. Nhưng đây là suy nghĩ rất không công bằng bởi mỗi người cần phải tự chuẩn bị tài chính để lo cho tương lai", nhà xã hội học nói. Còn nếu hối hận về quyết định của mình, các cặp đôi có thể nhận con nuôi.

Nhưng cũng có những trường hợp như Jasmine Gunaratnam, người không thích trẻ em. Cô thậm chí đã lập quỹ hưu trí từ năm 13 tuổi khi quyết định không sinh con. "Sẽ thế nào nếu sinh con ra mà không muốn chơi đùa cùng chúng? Đó là một thảm họa", người phụ nữ 39 tuổi nói.

Alex Law, người kết hôn được 5 năm cũng đồng tình. "Nếu không thực sự yêu trẻ, bạn không nhất thiết phải mang chúng đến thế giới này vì sự kỳ vọng của ai đó", anh nói.

Người đàn ông 38 tuổi thường xuyên đi du lịch cùng vợ và thực hiện "gần như mọi thứ" mà bạn bè anh không thể làm vì vướng bận con cái. Chưa kể, nhiều người xung quanh Law đang hối hận vì không trì hoãn việc sinh con.

"Tôi và vợ đều biết chính xác những gì bản thân muốn làm. Chúng tôi có một danh sách cần hoàn thành và sinh con chưa nằm trong đó. Mọi người có thể nói tôi ích kỷ và tôi đồng ý. Tôi muốn cuộc sống cho riêng mình", Law nói.

Nhưng một số người đang thay đổi suy nghĩ.

Cách đây không lâu, Ng See Min, 28 tuổi luôn trốn tránh việc sinh con. Nhưng trị liệu tâm lý đã giúp cô nhận ra khao khát được lập gia đình và có con.

"Tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi suy nghĩ nuôi một đứa trẻ rất tốn kém. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra những thứ đó chỉ là bề ngoài bởi điều tốt nhất có thể dành cho con là tình yêu vô điều kiện, thời gian và sự quan tâm", Ng See Min nói.

Theo VnExpress