Hẹn gặp giữa Sài Gòn trong niềm tin chiến thắng

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:22, 23/04/2023

"Lá đỏ" thể hiện cảm xúc trước cuộc hội ngộ rồi chia ly trong niềm tin gặp lại giữa người lính và em gái tiền phương trên con đường Trường Sơn ngập tràn khói lửa...

Lá đỏ

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.

Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.

Em vẫy cười đôi mắt trong.
(Trường Sơn, 12.1974)

NGUYỄN ĐÌNH THI

Nguyễn Đình Thi tài hoa: làm thơ, viết văn, soạn nhạc, điêu khắc... Ông là tác giả có những đóng góp rất lớn cho nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thơ ca. Thơ Nguyễn Đình Thi sâu lắng, giàu sáng tạo và cách tân ở thể thơ tự do, trong đó "Lá đỏ" được xem là thi phẩm tiêu biểu. "Lá đỏ" thể hiện cảm xúc trước cuộc hội ngộ rồi chia ly trong niềm tin gặp lại giữa người lính và em gái tiền phương trên con đường Trường Sơn ngập tràn khói lửa khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở chặng cuối cùng.

Chỉ với tám câu thơ, tác giả tập trung miêu tả ba hình ảnh từ ba góc nhìn khác nhau nhưng chung một điểm nhìn trong tư thế hiên ngang và niềm tin chiến thắng. Đó là hình ảnh rừng lá đỏ, người em gái tiền phương và đoàn quân trên đường Trường Sơn huyền thoại. Từ đó, nhà thơ khái quát vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng thật hào hùng.

Cuộc gặp gỡ giữa người chiến sĩ và nhân vật xưng “em” - cô gái tiền phương diễn ra nơi không gian Trường Sơn hùng vĩ, trên đồi cao lộng gió và những cánh rừng đang “ào ào lá đỏ”. Không gian cao rộng, khoáng đạt, gợi tư thế làm chủ của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến. Nếu ở bài "Đất nước" viết từ năm 1948 - 1954 của cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi tự hào: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta…” thì đến đây, không gian Trường Sơn lại càng thêm lộng gió thời đại. Hình ảnh rừng lá đỏ như những luồng sáng ấm nóng, lan tỏa niềm vui và hy vọng về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc sắp đi đến thắng lợi. Vì vậy, không gian trong "Lá đỏ" vừa mang vẻ đẹp từ thực tiễn chiến trường vừa biểu trưng cho sự xán lạn của cơ đồ giang sơn phía trước: "Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ".

Giữa không gian Trường Sơn hùng vĩ ấy, cuộc hội ngộ với người em gái tiền phương hiện lên thật đẹp đẽ và trong sáng. Đó là cuộc tương ngộ rồi chia li diễn ra nhanh chóng nhưng đã hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp cho ngày mai. Người em gái tiền phương hiện lên như minh chứng cho lời thề thủy chung, son sắt với quê hương, đất nước: "Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường".

Ở đây, Nguyễn Đình Thi sử dụng nghệ thuật so sánh thật độc đáo. Người em gái tiền phương đứng ở bên đường như bóng dáng quê hương ngàn đời thân thuộc. Không phải là bông hoa xinh tươi, dòng suối dịu dàng, nhành hoa tinh khiết vốn được ví von quen thuộc trong thi ca, nhân vật trữ tình “em” hiện lên bình dị, chân quê mà thiêng liêng, cao quý biết chừng nào. Em là quê hương, là đất nước trong gian khổ nhưng mang vẻ đẹp anh dũng, quật cường. Có lẽ không có sự so sánh nào hay hơn, thi vị và đúng hơn thế nữa. Em mang khuôn mặt quê hương vất vả, kiên trung trong cuộc trường chinh đánh giặc. Chính vai áo bạc màu bình dị và tư thế “quàng súng trường” là vẻ đẹp kép về hình ảnh quê hương, Tổ quốc Việt Nam trong những năm cả nước lên đường đánh Mỹ. Và ở đây, ta bỗng nhận ra nét tương đồng trong cảm xúc của thơ Lê Anh Xuân: “Em là du kích, em là giao liên/ Em chính là quê hương ta đó/ Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương” (Trở về quê nội).

Sau vẻ đẹp của người em gái tiền phương, hình ảnh đoàn quân trong bài thơ "Lá đỏ" cũng là điểm nhấn đặc biệt được nhà thơ chú ý khắc họa. Đoàn quân vẫn tiếp tục hành trình cứu nước gian khổ và đầy hy sinh. Thế tiến công “thần tốc, thần tốc hơn nữa” ấy đã không cho phép người lính dừng lại, nghỉ ngơi mà liên tục vượt núi rừng để tiến về Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của giặc. Dù chỉ với hai câu thơ chắt lọc, cô đọng, nhưng Nguyễn Đình Thi đã phản ánh một khí thế hào hùng, một quyết tâm lớn lao của người chiến sĩ giữa Trường Sơn năm ấy. “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” đã diễn đạt thật hay sự khốc liệt, gian nan mà cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra. Con đường Trường Sơn - con đường máu lửa, bụi mù với những đoàn quân ào ào ra trận đã diễn tả tư thế hào hùng và đẹp của dân tộc ta. Có thể nói khả năng lựa chọn hình ảnh, chi tiết của Nguyễn Đình Thi thật tài hoa và độc đáo, 2 câu thơ với mười hai tiếng ngắn gọn nhưng đủ mang tầm vóc sử thi, khơi dậy khí thế hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” một thời oanh liệt: "Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa".

Bài thơ khép lại vẫn bằng hai dòng thơ đặc sắc, cô đúc, vừa có khả năng thâu tóm nội dung tư tưởng thi phẩm vừa mở ra niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng tràn đầy khí thế lạc quan và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. “Chào em” và “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” như thể hiện quyết tâm không gì có thể lay chuyển được. Đó là niềm tin của cả dân tộc “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” (Hồ Chí Minh): "Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…".

Bài thơ có tên "Lá đỏ" thật giàu ý nghĩa. Vâng, đó là màu đỏ của hy vọng về một ngày mai đẹp tươi, xán lạn. Màu đỏ ấy đâu chỉ “ào ào” nơi cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ mà còn thắp sáng, bừng tỏa lộng lẫy giữa TP Sài Gòn - thành phố mang tên Bác Hồ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chỉ với tám dòng thơ nhưng sức khái quát thật lớn lao, thi phẩm đã mang tầm vóc của một tráng ca trong thời điểm cả dân tộc Việt Nam quyết tâm thống nhất hai miền Nam, Bắc. Khí thế ấy thêm một lần nữa được khẳng định khi bài thơ này được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

AN ĐỨC