Giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn tiền đình
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:41, 23/04/2023
Rối loạn tiền đình có liên quan đến yếu tố tuổi tác, giới tính, điều kiện môi trường sống và làm việc. Ảnh minh họa
Đó là những biểu hiện của chứng rối loạn tiền đình. Bệnh ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, khả năng lao động của người bệnh. Vì vậy, làm thế nào để giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn tiền đình là vô cùng quan trọng.
Rối loạn tiền đình có xu hướng trẻ hóa
Tiền đình có vai trò cân bằng cơ thể, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình… Rối loạn tiền đình là biểu hiện thường gặp là mất hoặc giảm khả năng giữ thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, có thể kèm ù tai, buồn nôn...
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây rối loạn tiền đình trong đó có thể gặp là:
- Do tình trạng viêm nhiễm như: viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
- Do chấn thương: Nếu sau chấn thương đầu gây tổn thương cơ quan tiền đình tiểu não.
- Do tình trạng rối loạn tuần hoàn máu như tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống ảnh hưởng đến tai trong hoặc não bộ.
- Do các môi trường sống (ô nhiễm tiếng ồn, stress, ít vận động…) và yếu tố di truyền
- Do sử dụng thuốc giảm đau kéo dài…
Theo các nghiên cứu rối loạn tiền đình càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Các ghi nhận cho thấy bệnh lý này có liên quan đến yếu tố tuổi tác, giới tính, điều kiện môi trường sống và làm việc.
Tuổi tác cũng là yếu tố nguy cơ, người ta thấy tuổi càng cao làm tăng nguy cơ bị bệnh, ước tính có khoảng 35% người trên 40 tuổi ghi nhận tình trạng rối loạn tiền đình và hiện nay con số này đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gặp nhiều hơn ở nữ giới, những người làm việc hoặc sinh sống ở môi trường tiếng ồn lớn, căng thẳng, ít vận động hoặc thời tiết khó chịu khi chuyển mùa...
Biểu hiện của rối loạn tiền đình
Khi mắc rối loạn tiền đình người bệnh thường xuất hiện các biểu hiện như:
- Biểu hiện chóng mặt, quay cuồng, choáng váng.
- Người bệnh dễ ngã do mất cân bằng, có thể mất định hướng không gian.
- Xuất hiện nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng...
- Biểu hiện rối loạn thính giác điển hình bằng ù tai.
- Người bệnh cảm thấy lo lắng quá mức, khó tập trung, giảm khả năng chú ý...
Người bệnh rối loạn tiền đình cần làm gì?
Khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ hoặc có các biểu hiện chóng mặt, quay cuồng,… lặp đi lặp lại nhiều lần, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, người mắc rối loạn tiền đình có thể thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống có thể hạn chế hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ngay tại nhà.
Một số biện pháp cụ thể:
- Cần giữ thăng bằng, hạn chế làm việc ở tư thế động
Do hay có biểu hiện mất thăng bằng nên người bệnh không đọc sách, sử dụng điện thoại hay làm việc trên máy tính khi đang di chuyển bằng xe ôtô, xe buýt hoặc tàu lửa. Nếu có biểu hiện chóng mặt cần nằm xuống và hít thở đều, có thể nhắm mắt lại để giảm kích thích của ánh sáng.
- Cần có bảo hộ tránh tiếp xúc với ánh sáng
Nếu người bệnh mắc rối loạn tiền đình có nguyên nhân nhạy cảm với ánh sáng thì người bệnh khi ra ngoài nhất thiết nhớ phải mang theo kính mát và đội mũ hạn chế tiếp xúc với ánh sáng.
- Hạn chế đi máy bay, tiếp xúc với tiếng ồn
Nếu người bệnh có biểu hiện viêm xoang, viêm tai hoặc tai bị tắc nghẽn… hạn chế đi máy bay. Không tiếp xúc với tiếng ồn bằng cách hạn chế nghe nhạc với âm thanh lớn, tránh nơi có nhiều tiếng ồn hoặc ra ngoài trời nắng mà không sử dụng vật che chắn.
- Luyện tập thường xuyên
Việc tăng cường vận động thể dục thể thao nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn não sẽ giúp cho người bệnh tăng sức đề kháng cũng tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, thận trọng các động tác vận động quá sức, các tác động vùng đầu cổ.
- Giảm căng thẳng
Do tình trạng mất thằng bằng, hay hồi hộp do vậy người bệnh hạn chế căng thẳng trong sinh hoạt và lao động. Nếu thấy có biểu hiện hồi hộp, lo lắng cần có các giải pháp trong đó có thể xen kẽ các khoảng thời gian nghỉ ngắn đồng thời có sự sắp xếp và phân bổ công việc để tránh bị quá tải.
- Cần có chế độ ăn khoa học
Việc thực hiện các chế độ ăn khoa học với người bệnh rối loạn tiền đình là rất quan trọng. Trong đó cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho hệ tim mạch cũng như bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế mỡ động vật cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Nhớ hàng ngày phải uống đủ nước, một người nên uống khoảng 1,5 – 2 lít nước/ngày để cung cấp đủ nước cho các quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể được diễn ra hiệu quả. Tuyệt đối phải hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích có hại.
Và quan trọng là người bệnh cần thực hiện tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Hoặc cần khám ngay thấy xuất hiện dấu hiệu của bệnh rối loạn chức năng tiền đình, để giúp phòng ngừa những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não.
Theo Sức khỏe và Đời sống