Làng khoa bảng đất Nam Sách

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:30, 23/04/2023

Nam Sách là mảnh đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng của xứ Đông, là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài, danh nhân văn hoá của đất nước.


Đình làng Nhân Lý

"Lý nhân vi mỹ"

Xét theo đơn vị huyện, Nam Sách không chỉ có số lượng tiến sĩ Nho học nhiều nhất tỉnh Hải Dương mà còn là huyện có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước với 108 người. Tính theo đơn vị hành chính hiện nay, tỉnh Hải Dương có 11 vị Trạng nguyên thì Nam Sách có đến 5 vị. Số người đỗ đại khoa ở Nam Sách tập trung nhiều ở thị trấn Nam Sách (31 vị), trong đó tiêu biểu nhất là ở làng Nhân Lý (11 vị).

Làng Nhân Lý tên nôm là làng Si. Cư dân lập ra làng Nhân Lý đầu tiên là họ Kiều (có mặt tại đây vào khoảng thế kỷ X, trong đó có cụ Kiều Thúc Ngữ là tướng của nhà Đinh); sau đến các họ Lê, Lương, Phạm. Tuy nhiên, họ Kiều, họ Lê đến nay chỉ còn gần hai chục nhân khẩu trong làng. Sau đó là các dòng họ Nguyễn Hữu (từ Thanh Hóa ra), Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, Đặng Huy... đến sinh cơ lập nghiệp.

Lưu truyền dân gian kể lại rằng, khi con người đến khai phá, vùng đất Nhân Lý còn đầy rừng rậm, có cả hổ dữ. Cây rừng mọc lên trên địa hình đầm lầy, phù sa với những lạch thoát triều chằng chịt, chảy quanh co, xung quanh nhiều gò đống chạy dài theo hướng đông-tây, chắn ngang con sông Cầu Giao chảy theo hướng bắc-nam. Chính vì vậy, khi đến khai phá vùng đất này, tổ tiên người Nhân Lý đã định cư trên gò, đống và các vùng đất cao nên phải làm tới 12 cây cầu đá để đi lại. Đặc điểm này được người Nhân Lý dùng để ví làng mình như con cá chép trong hồ nước đầy (Nhân Lý thủy chư, lý ngư vọng nguyệt). Theo nghĩa chữ Hán, Nhân là nhân nghĩa, Lý là làng. Các dòng họ đoàn kết xây dựng cơ nghiệp với phong tục tốt đẹp nên đặt tên chữ cho làng mình là làng Nhân Lý (Lý nhân vi mỹ).


Ban thờ các vị tiến sĩ tại gian đại bái đình Nhân Lý

Làng Nhân Lý xưa kia do trang Đào và trang Si hợp lại, thuộc huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, lộ Đông Hải. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, xã Nhân Lý thuộc tổng An Lương, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (năm Minh Mạng thứ 12 - Tân Mão - 1831 đổi làm tỉnh Hải Dương). Huyện Thanh Lâm từ năm Tự Đức thứ năm (Nhâm Tý, 1852) là huyện do phủ Nam Sách kiêm nhiếp. Năm 1918, triều đình Khải Định quy định bỏ các huyện kiêm lý thuộc các phủ. Huyện Thanh Lâm không còn tồn tại; các làng, xã của huyện này trực thuộc phủ Nam Sách. Đến tháng 4.1946, Nhân Lý hợp nhất với các xã Vạn Niên, Nhân Hưng thành một xã mang tên Thanh Lâm (trùng tên với xã Thanh Lâm cũ). Đến ngày 26.8.1989, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định về việc thành lập thị trấn Nam Sách, trên cơ sở giải thể xã Thanh Lâm. Ngày nay, Nhân Lý thuộc khu dân cư Nhân Đào, thị trấn Nam Sách.

Người làng Nhân Lý vừa trồng lúa, vừa trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa. Bên cạnh nghề nông là nghề chính, Nhân Lý còn phát triển nghề thủ công và buôn bán nhỏ vì gần chợ huyện Thanh Lâm sầm uất với các hoạt động mua bán trâu bò, lợn, gạo, vải... Đặc biệt, Nhân Lý còn bảo lưu được ngôi đình bề thế, to đẹp xây dựng vào thời Lê, là nơi thờ cụ Đào Tuấn Lương, người có công đánh giặc giữ làng, giữ nước được tôn thờ là Thành hoàng làng của cả tổng An Lương.


Nhà thờ họ Nguyễn (nhà ông Nguyễn Hữu Phụng), làng Nhân Lý

Truyền thống khoa bảng

Không những lưu giữ được nhiều thiết chế văn hóa cổ truyền, Nhân Lý là một làng cổ có truyền thống khoa bảng. Qua các khoa thi từ năm 1076-1919, Nhân Lý có 11 vị đại khoa, sau khi đỗ đạt đều giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Minh Bích làm quan tới chức Thượng thư. Phạm Bá Khuê, Nguyễn Thế Khải làm tới chức Thị lang (chức quan đứng sau Thượng thư, tương đương với chức Thứ trưởng hiện nay). Hai người làm Tham chính là Phạm Bá Dương và Phạm Hưng Nhân. Ba người làm các công việc có liên quan đến biên soạn kinh sách là Phạm Khuê, Nguyễn Hoản, Phạm Như Trung. Giữ việc giám sát trong triều có Phạm Văn Tuấn. Đặc biệt, Nguyễn Hoản còn là thành viên Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, ông còn để lại một số bài thơ trong Toàn Việt Thi lục.

Theo số liệu tập hợp từ nguồn bia ký, gia phả tại địa phương, ngoài 11 vị đại khoa, làng Nhân Lý còn có 34 vị đỗ trung khoa (học vị Hương cống, Cử nhân) và tiểu khoa (học vị Sinh đồ, Tú tài). Các vị đỗ đại khoa của làng Nhân Lý chỉ tập trung vào 3 dòng họ: Phạm, Nguyễn Văn và Nguyễn Thế. Họ Phạm là dòng họ lớn và đến lập nghiệp sớm nhất tại làng Nhân Lý. Họ Phạm có 8 vị đỗ đại khoa (đứng đầu làng Nhân Lý và toàn huyện Nam Sách), trong đó gia đình cụ Phạm Bá Khuê nối tiếp nhau qua các đời từ cha đến con rồi đến cháu, chắt đều đỗ đại khoa. Họ Nguyễn Văn có 2 tiến sĩ đó là Nguyễn Hoản và Nguyễn Minh Bích. Họ Nguyễn Thế có 1 vị tiến sĩ là Nguyễn Thế Khải, cũng là vị tiến sĩ cuối cùng trong số 11 vị tiến sĩ làng Nhân Lý.

Như vậy, Nhân Lý là làng khoa bảng tiêu biểu đứng thứ nhất của huyện Nam Sách (có 11 tiến sĩ) và đứng thứ hai của tỉnh Hải Dương chỉ sau làng Mộ Trạch (Bình Giang) với 36 vị. Truyền thống học hành, đỗ đạt ở Nhân Lý còn được kế thừa, phát huy trong hầu hết các gia đình, dòng họ ngày nay. Nhiều con em quê hương Nhân Lý học cao, đỗ đạt và đã trở thành những nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ... có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Người dân trong làng đều trân trọng, đề cao đạo học. Hằng năm, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học ở Nhân Lý luôn ở nhóm đầu của thị trấn Nam Sách.

Được biết có những năm, 80% con em của làng Nhân Lý đỗ đại học, cao đẳng. Các tổ chức đoàn thể, gia đình, dòng họ đều có những phần thưởng khuyến khích con em học hành tiến bộ. Hội Khuyến học của làng Nhân Lý (nay là khu dân cư Nhân Đào) được thành lâp năm 1990, hiện có 291 thành viên với số quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, làng Nhân Lý hiện có 5 tiến sĩ, nhiều thạc sĩ, hàng trăm cử nhân, kĩ sư, bác sĩ ở các lĩnh vực khác nhau và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.

HƯƠNG THỦY