Thời điểm then chốt đối với an ninh ở châu Âu và Trung Đông
Tin tức - Ngày đăng : 07:41, 24/04/2023
Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cuộc bầu cử vào tháng tới có ý nghĩa lịch sử to lớn. Cuộc bỏ phiếu ngày 14/5 dự kiến sẽ là cuộc đua gay gắt nhất trong 20 năm cầm quyền của ông Erdogan.
Cuộc bầu cử sẽ đè nặng lên an ninh ở châu Âu và Trung Đông, bởi vì người chiến thắng sẽ xác định: Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); mối quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga; chính sách di cư; vai trò của Ankara trong cuộc xung đột ở Ukraine; và các biện pháp xử lý căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải.
Hiện ông Erdogan đang phải cạnh tranh với đối thủ nặng kí phe đối lập là Kemal Kılıcdaroglu, người cam kết mang lại những thay đổi lớn. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Kılıcdaroglu đang có tỷ lệ ủng hộ lớn hơn so với đương kim Tổng thống Erdogan, nhưng ông Erdogan là một nhà vận động bầu cử đầy kinh nghiệm, với sự hỗ trợ mạnh mẽ bởi quyền lực nhà nước và các thể chế theo sau.
Unal Cevikoz, cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của ông Kılıcdaroglu cho biết: “Sẽ có sự thay đổi từ chế độ quản trị theo hướng cá nhân, sang chế độ làm việc theo nhóm. Ông Kılıcdaroglu sẽ là 'nhạc trưởng' của nhóm đó”.
Dưới đây là những chủ đề chính sách đối ngoại quan trọng liên quan đến cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ:
Đàm phán gia nhập EU và Thổ Nhĩ Kỳ
Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ tự tin rằng họ có thể khơi thông các cuộc đàm phán gia nhập EU – vốn đã bế tắc kể từ năm 2018 – bằng cách đưa ra các cải cách tự do hóa về mặt pháp quyền, tự do truyền thông và phi chính trị hóa ngành tư pháp.
Phe đối lập cũng cam kết sẽ thực hiện các quyết định của Tòa án Nhân quyền châu Âu kêu gọi trả tự do cho hai đối thủ chính trị nổi tiếng nhất của ông Erdogan đang bị bỏ tù: đồng lãnh đạo của đảng Dân chủ Nhân dân ủng hộ người Kurd Selahattin Demirtas và nhà bảo vệ nhân quyền Osman Kavala.
Ông Cevikoz nêu rõ: “Điều này chỉ đơn giản là gửi thông điệp tới tất cả các đồng minh của chúng tôi và tất cả các nước châu Âu rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang trở lại con đường dân chủ".
Tuy nhiên, ngay cả với chính quyền mới, nhiệm vụ mở lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU là rất khó khăn. Wolfango Piccoli, đồng sáng lập công ty phân tích rủi ro Teneo, lập luận rằng tâm lý "bài phương Tây" ở Thổ Nhĩ Kỳ rất mạnh mẽ trong mọi khía cạnh chính trị.
Ông Piccoli nói: “Chính sách đối ngoại sẽ phụ thuộc vào sự gắn kết của liên minh trong chính phủ. Đây là một liên minh gồm các đảng không có điểm chung nào ngoài mong muốn đánh bại ông Erdogan. Họ có một chương trình nghị sự rất khác nhau và điều này sẽ có tác động đến chính sách đối ngoại”, lưu ý rằng bất kỳ chính phủ mới nào cũng sẽ có rất nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết nên trọng tâm chính của nó sẽ là đối nội.
Trong khi đó, châu Âu dường như cũng chưa sẵn sàng với một Thổ Nhĩ Kỳ có chính phủ mới, với một nhóm các quốc gia – nổi bật nhất là Pháp và Áo – đặc biệt phản đối ý tưởng hàn gắn quan hệ.
Aslı Aydıntaşbaş, một thành viên tại Viện Brookings, nhận định: “Họ đã quen với ý tưởng về một Thổ Nhĩ Kỳ không liên kết, vốn đã xa rời các chuẩn mực và giá trị của EU và đang thực hiện con đường của riêng mình”. Nếu phe đối lập thành lập chính phủ, họ sẽ tìm kiếm một bản sắc châu Âu và chúng ta chưa rõ phản ứng của châu Âu về điều đó; cho dù đó có thể là sự hội nhập hay một khuôn khổ an ninh mới trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ”.
Về phần mình, Sinan Ülgen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Carnegie châu Âu, nêu quan điểm: “Rõ ràng là sự xói mòn lòng tin đã xảy ra giữa hai bên, như liên minh thuế quan, tự do hóa thị thực, hợp tác về khí hậu, an ninh và quốc phòng và thỏa thuận di cư".
NATO và Mỹ
Sau khi áp đặt quyền phủ quyết ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã bật đèn xanh cho tư cách thành viên NATO của Phần Lan vào ngày 30/3. Nhưng phe đối lập cũng cam kết sẽ tiến xa hơn với việc chấm dứt quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển, nói rằng điều này có thể thực hiện được vào cuộc họp thường niên của NATO vào ngày 11/7.
Nhiều người cũng cho rằng nếu ông Erdogan tái đắc cử, Ankara cũng có thể đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Rốt cuộc, các đồng minh NATO đã đóng một vai trò quan trọng trong viện trợ động đất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ İbrahim Kalın nói rằng cánh cửa không đóng lại với Thụy Điển, nhưng khẳng định trách nhiệm của Stockholm là xác định mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.
Với Mỹ, mối quan hệ quân sự của Ankara với Washington đã trở nên xấu đi nghiêm trọng vào năm 2019 khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất, một động thái mà Mỹ cho rằng sẽ khiến máy bay NATO bay qua Thổ Nhĩ Kỳ gặp rủi ro. Theo đó, Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 và trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cuộc gặp vào cuối tháng 3 giữa ông Kılıcdaroglu và Đại sứ Mỹ tại Ankara Jeff Flake đã khiến Tổng thống Erdogan tức giận, coi đó là hành vi can thiệp vào cuộc bầu cử và cam kết “đóng cửa” với vị đại sứ Mỹ trên. “Chúng ta cần dạy cho Mỹ một bài học trong cuộc bầu cử này”, ông Erdogan nói với cử tri.
Trong chính sách của mình, phe đối lập cũng đề cập đến mong muốn quay trở lại chương trình F-35.
Nga và cuộc xung đột ở Ukraine
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ tự thể hiện mình là nhà trung gian hòa giải. Nước này tiếp tục cung cấp vũ khí - đáng kể nhất là máy bay không người lái Bayraktar - cho Ukraine, trong khi từ chối trừng phạt Nga. Nước này cũng đã môi giới cho một thỏa thuận cùng Liên hợp quốc cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đi qua Biển Đen đang bị phong tỏa.
Sau khi bật đèn xanh cho việc Phần Lan gia nhập NATO, ông Erdogan đang gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể là thành viên NATO đầu tiên tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Có thể có khả năng” là ông Putin có thể tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27.4 để dự lễ khánh thành lò phản ứng điện hạt nhân đầu tiên của nước này do công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga xây dựng, ông Erdogan thông báo.
Về phe đối lập, ông Cevikoz nói rằng dưới sự lãnh đạo của ông Kılıcdaroglu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải và gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, nhưng gia tăng sức ép lên Moskva với tư cách thành viên NATO.
“Chúng tôi chỉ nhấn mạnh thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và trong các cuộc thảo luận với Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng, nhưng chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO”, ông Cevikoz nói.
Syria và di cư
Phe đối lập cho rằng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria phụ thuộc nhiều vào cách nước này có thể giải quyết vấn đề người Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận khoảng 4 triệu người Syria và nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng lớn về chi phí sinh hoạt, đang ngày càng trở nên thù địch đối với người tị nạn Syria. Ông Kılıcdaroglu đã cam kết tạo cơ hội và điều kiện để người Syria tự nguyện hồi hương.
“Cách tiếp cận của chúng tôi là khôi phục nền kinh tế Syria và tạo điều kiện cho sự hồi hương tự nguyện”, ông Cevikoz nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ đòi hỏi sự chia sẻ gánh nặng quốc tế, nhưng cũng cần thiết lập đối thoại với Damascus.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cũng đang nỗ lực thiết lập mối quan hệ hợp tác với Syria nhưng Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng ông sẽ chỉ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara sẵn sàng rút quân hoàn toàn khỏi miền Bắc Syria.
Chuyên gia Ülgen nhận định: “Một chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tích cực hơn trong việc đàm phán với Chính phủ Syria. Nhưng đây sẽ vẫn là một vấn đề gai góc vì sẽ có những điều kiện gắn liền với phía Syria liên quan đến việc bình thường hóa này”.
Tuy nhiên, chuyên gia Piccoli lưu ý những người Syria tự nguyện trở về là “mơ tưởng”: “Đây là những người Syria đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn 10 năm, con cái của họ đã đi học ở Thổ Nhĩ Kỳ từ những ngày đầu tiên. Vì vậy, những cam kết tự nguyện hồi hương là rất khó thực hiện”.
Căng thẳng với Hy Lạp và Đông Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều tuyên bố cứng rắn đối với Hy Lạp trong những tháng gần đây, với việc Tổng thống Erdogan cảnh báo có thể tấn công Athens bằng tên lửa. Nhưng phản ứng nhanh chóng của chính phủ Hy Lạp đối với trận động đất kinh hoàng gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và chuyến thăm của Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã tạo ra một bối cảnh mới cho quan hệ song phương.
Ông Dendias cùng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu tuyên bố rằng Ankara sẽ bỏ phiếu cho Athens trong chiến dịch tranh cử một ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2026 và Hy Lạp sẽ ủng hộ ứng cử viên Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Trong một dấu hiệu khác của sự tan băng, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos và Bộ trưởng Di cư Notis Mitarachi đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng ông hy vọng Địa Trung Hải và Aegean sẽ là “vùng biển hữu nghị” giữa hai nước.
Theo ông Cevikuz, việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong các vấn đề song phương [ở Aegean], sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giải quyết các vấn đề khác ở phía Đông Địa Trung Hải, đây là một định dạng đa phương hơn, ví dụ như tranh chấp về biên giới biển và thăm dò năng lượng.
Theo Báo Tin tức