Du lịch Thanh Hà mùa vải chín hướng đến chuyên nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 08:21, 24/04/2023
Những cung đường vải ở xã Thanh Quang sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch
Đi đúng hướng
Đề án “Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025” được UBND huyện phê duyệt năm 2021 là một trong 6 đề án trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện tốt đề án, địa phương đang từng bước khai thác và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên hiện có nhằm phát triển du lịch. Huyện thực hiện 3 nhiệm vụ: xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng, bảo đảm môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững.
Trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, huyện đã đầu tư sản xuất ổi, vải, chuối gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, di sản.
Năm 2021, toàn huyện đã quy hoạch được 37 vùng sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 35 vùng vải, 2 vùng ổi. Năm 2022, các xã, thị trấn đã quy hoạch các vùng sản xuất, lập danh sách các hộ trong vùng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các hộ dân. UBND các xã chủ động tham mưu cải tạo đường nông thôn, đường ra cánh đồng vải VietGAP, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các điểm khai thác phát triển du lịch như ở vùng vải sớm các xã Thanh Quang, Thanh Cường; vải thiều chính vụ ở các xã Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Khê.
Du lịch di sản thăm cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) đến nay được đầu tư các công trình như nhà đón tiếp khách, xây ao và kè bờ, khu vực sân. Năm 2022, hơn 40.000 lượt khách đến tham quan cây vải tổ, trong đó có 240 lượt khách quốc tế. Du lịch trải nghiệm được bố trí ở tiểu khu Đồng Mẩn, xã Thanh Khê. Địa phương đầu tư bãi đỗ xe, nhà vệ sinh phục vụ các đoàn khách trong và ngoài nước. Năm 2022, tiểu khu du lịch này đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có hơn 80 lượt khách quốc tế. Huyện cũng đã xây dựng liên kết du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, xem các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật múa rối nước.
Nhiều vườn vải thiều đẹp thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm
Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương với 3 điểm đón tiếp đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 59,9 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, huyện đã thành lập Tổ cộng tác viên hướng dẫn du lịch với 15 thành viên. Tổ có nhiệm vụ giúp UBND huyện hướng dẫn, giới thiệu, cung cấp các thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch. Đây cũng là kỳ vọng của huyện vào sự đổi mới hướng dẫn du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn. Anh Vũ Đình Thắng ở xã Thanh Sơn, thành viên của Tổ cộng tác viên cho biết đã được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn viên. “Tôi hy vọng mùa vải thiều này có thể hướng dẫn, giới thiệu một cách chuyên nghiệp về lịch sử cây vải tổ cho khách tham quan, du lịch”, anh Thắng nói.
Chú trọng quảng bá, xúc tiến
Không chỉ triển khai bài bản về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực phục vụ du lịch, huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm quảng bá, xúc tiến du lịch.
Lễ hội mở vườn vải thiều Thanh Hà nhiều năm được tổ chức nhằm xúc tiến tiêu thụ và du lịch miệt vườn
Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch sinh thái miệt vườn huyện Thanh Hà được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin từ Trung ương đến địa phương, các website, mạng xã hội nhằm thu hút khách du lịch. Hằng năm, địa phương xây dựng nguồn thông tin, tư liệu in trên 15.000 tờ gấp giới thiệu các tuyến, điểm du lịch sinh thái, tham quan di tích; chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu sinh thái. Thông qua các hoạt động này, người dân đã dần hình thành ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự. Huyện chỉ đạo các xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, khai thác nguồn tài nguyên hiện có là các vườn cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của huyện thì một số xã còn chưa chủ động khai thác tiềm năng du lịch, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, chưa khuyến khích được nhiều người dân phát triển du lịch, chỉ có một số HTX tham gia. Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch sinh thái chưa đồng bộ, đầu tư cho du lịch sinh thái còn thấp, chưa tạo động lực cho chính quyền, nhân dân.
Thời gian tới, huyện Thanh Hà tiếp tục đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ, đầu tư trên địa bàn, trong đó ưu tiên lĩnh vực du lịch. Quan tâm liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch. Tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ thương mại giới thiệu các sản phẩm nông sản có thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả. Địa phương sẽ sớm xây dựng các bài thuyết minh, giới thiệu về các khu, điểm du lịch trọng điểm trong mùa vải này để phục vụ khách du lịch chu đáo hơn.
MINH NGUYÊN