Hấp dẫn lễ hội đền - chùa Cậy

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 09:00, 09/04/2017

Danh tướng thời Vua Hùng Vương thứ 18 - Bảo Phúc đại vương được nhân dân thờ phụng tại đền - chùa Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang).



Lễ rước bộ tượng Bảo Phúc đại vương . Ảnh: Danh Trung

Là một trong những danh tướng có công phò Vua Hùng Vương đời thứ 18 cứu nước, Bảo Phúc đại vương được nhân dân ghi nhớ công ơn và thờ phụng tại đền - chùa Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang). Lễ hội chính diễn ra từ ngày 10 - 16.2 (âm lịch) hằng năm.

Theo bảng thần tích còn lưu giữ ở đền Cậy, vào ngày 10.2 năm Giáp Thìn, thời Vua Hùng Vương thứ 18, vợ chồng ông bà Nguyễn Đức, Đào Thị làm nghề bốc thuốc cứu người đã sinh được người con trai tướng mạo khác thường, đặt tên là Phúc Công. Lên 5 tuổi, Phúc Công đã tỏ ra thông minh hơn người, biết lễ nghĩa. Năm Phúc Công 16 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Năm ông 19 tuổi, nhà Thục nổi dậy đánh nhà nước Văn Lang. Hùng Duệ Vương xuống chiếu cầu người hiền tài ra giúp nước.Phúc Công liền vào yết kiến nhà vua và ứng đối trôi chảy, nhà vua rất hài lòng, phong làm Hữu đạo Đại tướng quân. Ông cùng với Tản Viên Sơn Thánh tổ chức thao luyện binh mã chờ ngày xuất quân. Khi có lệnh của nhà vua, Hữu đạo Đại tướng quân Phúc Công kéo quân đến nơi nhà Thục đóng quân ở Sóc Sơn. Do lực mỏng, quân của Phúc Công đã bị quân Thục vây hãm trùng trùng điệp điệp nhiều ngày rất nguy khốn. Trong khi quân tiếp viện của triều đình không đến kịp, lương thảo, nước uống cạn kiệt. Lúc này, ông động viên quân sĩ quyết chí một lòng chiến đấu mở đường máu và đã đánh tan quân Thục. Khi đất nước trở lại thái bình, nhà vua mở tiệc khao thưởng ba quân. Ông Phúc Công được nhà vua ban cho hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương. Ngày 22.9 (không rõ năm), ông qua đời. Biết tin, nhà vua vô cùng thương xót, cử người về quê làm lễ mai táng và ban sắc phong cho Phúc Công là Phúc thần nhất vị Bảo Phúc đại vương. Để tưởng nhớ công lao của Phúc Công, nhân dân địa phương đã tôn ngài làm thành hoàng thờ ở đền Cậy, còn ông bà Nguyễn Đức, Đào Thị cha mẹ của ông được thờ tại chùa Cậy.

Từ nhiều đời nay, hằng năm, vào ngày sinh và ngày mất của Bảo Phúc đại vương, nhân dân địa phương đều tổ chức lễ hội. Kỳ lễ hội diễn ra vào ngày sinh có quy mô lớn hơn và thu hút được đông đảo du khách thập phương đến dự.   

Có thời gian dài, lễ hội đền- chùa Cậy bị mai một. Năm 1994, sau khi di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chính quyền địa phương và nhân dân đã tiến hành khôi phục lại lễ hội. Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên nhận xét: "Lễ hội đền - chùa Cậy đã khôi phục lại các nghi lễ truyền thống và tổ chức trang nghiêm”.

Lễ hội gồm các nghi lễ chính như: mở cửa đền, bao sái, rước kiệu thánh ra sân đền, dâng hương, rước bộ từ đền đến đền thờ thánh phụ, thánh mẫu (trong khuôn viên chùa Vĩnh Bảo, tên nôm là chùa Cậy) rồi rước trở lại đền...

Một trong những nghi lễ truyền thống mà lễ hội còn bảo tồn được là lễ rước ông lợn. Trước khi lễ hội diễn ra 2 - 3 tháng, thôn mua một con lợn nhờ người nuôi hộ. Thôn giao ước trước để người nuôi không được cho lợn ăn cám công nghiệp, giữ gìn chuồng sạch sẽ. Đến ngày lễ hội, trước khi giết, lợn được làm lễ tỉnh sinh: dùng một chén rượu đổ vào trán để tẩy uế, bảo đảm sự thanh sạch. Ông lợn được mổ banh, để cả con và trang trí mỡ chài phủ lên mình, miệng ngậm một bông hồng. Công việc hoàn thành, ông lợn được rước ra đền để làm lễ.

Không gian sôi động, cuốn hút du khách thập phương nhất trong lễ hội phải kể đến hội thi bơi thuyền chải, làm bánh trôi. Truyền thuyết về nguồn gốc của hội thi bơi thuyền chải vẫn được người dân lưu truyền. Đó là sau khi đánh thắng nhà Thục, Vua Hùng Vương thứ 18 lấy ngày 10.3 làm ngày Giỗ Tổ. Ngày này, các Lạc hầu, Lạc tướng trị vì ở các địa phương đều phải về kinh đô Phong Châu dự lễ. Ngày 9.3, dân làng mở hội đua thuyền để tiễn đưa Bảo Phúc đại vương. Nhiều năm nay, địa phương đã bàn bạc với nhân dân thống nhất chuyển hội thi đua thuyền chải từ ngày 9.3 sang tổ chức đúng vào dịp diễn ra lễ hội (từ 10 đến 16.2) để thu hút đông đảo người tham gia. Hiện nay, cách 1 năm hoặc vào năm chẵn, lễ hội tổ chức hội thi một lần. Mỗi khi hội thi diễn ra, từ đầu giờ chiều 13.2, nhân dân địa phương và du khách thập phương ùn ùn kéo về kín 2 bờ sông Cậy (khúc sông có cầu Cậy bắc qua) để xem các đội thuyền nam, nữ đua tài. Thành viên các đội thuyền đều là con em của thôn Cậy. Các thuyền đua vun vút lao về đích trong sự cổ vũ nhiệt tình của người dân. Kết thúc hội thi dù thắng hay thua mọi người đều rất vui vẻ.

Cùng với đua thuyền chải, một sản vật không thể thiếu để dâng lên đức thánh vào ngày lễ hội nơi đây là bánh trôi. Trước đây, gia đình nào của thôn Cậy cũng làm mâm bánh trôi để ra đền thắp hương. Ba năm nay, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức thi làm bánh trôi giữa các xóm của thôn Cậy. Đội nào làm được bánh tròn, chín, đủ số lượng sẽ giành giải. Người thi thì tự hào vì được làm đồ dâng thánh còn người xem thì háo hức, tò mò.

Vào những ngày lễ hội, người dân thôn Cậy dù làm ăn ở đâu đều hướng về quê hương. Trước lễ hội, các gia đình lại gọi con cháu về để cùng ra đền - chùa thắp hương các cụ. Ông Đỗ Long Giang (82 tuổi) ở thôn Cậy chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi khi lễ hội được khôi phục. Tôi và các con cháu đều tham gia nhiệt tình để cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn trong sản xuất, kinh doanh".

Nhiều năm nay, lễ hội đền- chùa Cậy đã khẳng định được giá trị văn hóa tốt đẹp, trở thành ngày hội đại đoàn kết toàn dân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

DANH TRUNG