Lỗi tại ai?

Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 11/12/2017

Mấy hôm nay bà Hoa cứ đi ra đi vào, chốc chốc lại nhìn Tâm - thằng con trai cả vừa mới ly hôn. Lúc nào nó cũng ủ rũ, chán chường.



Nhớ lại quãng thời gian bốn năm về trước, khi nó lấy vợ, bà không sao kể hết niềm vui. Rồi bà nhớ khi Na - con dâu bà sinh thằng cháu nội kháu khỉnh. Tiếng trẻ con cười nói líu lo, lúc nào cũng thấy ấm cúng. Vậy mà bây giờ hai đứa bỏ nhau, Na mang theo con. Còn con trai bà suốt ngày lầm lỳ chả nói chả rằng khiến không khí gia đình càng thêm u ám.

Bà Hoa không hết dằn vặt, trăn trở khi nghĩ về chuyện của con, như thể trong chuyện chúng nó bỏ nhau có lỗi của bà. Giá như bà biết cách dạy bảo con dâu từ những ngày đầu mới về nhà chồng, có lẽ cơ sự không thành ra thế này. Cứ tưởng hết lòng chiều chuộng Na, bỏ qua mọi lỗi lầm của con dâu thì nhà cửa sẽ ấm êm, Na sẽ hiểu được tấm lòng bà. Thế nhưng bà đã nhầm.

Ngay từ cái hôm chúng nó tổ chức đám cưới xong, anh em họ hàng xúm vào dọn dẹp, nhà bà làm bữa cơm chiều cảm ơn mọi người thì thằng Tâm và con Na biến đi đâu mất đến tận đêm mới về. Bà gọi điện mới biết hai đứa ra quán hát karaoke với tụi bạn của Na. Ông Sáng, anh ruột bà được dịp quán triệt luôn:

- Lẽ ra, chiều nay chúng nó phải ở nhà. Không làm được gì thì cũng cho họ hàng nhìn kỹ mặt cháu dâu, rồi còn cảm ơn họ hàng mấy câu. Mấy ngày nay, mọi người chạy đôn chạy đáo để lo cỗ bàn, phục vụ cho đám cưới chúng nó, vậy mà còn tót đi chơi. Dâu mới mà đã thế rồi.

Bà Hoa từ trong nhà ra phân trần, bênh vực con dâu:

- Thôi bác ơi! Cứ để cho chúng nó chơi thoải mái đi. Mấy hôm nay con Na cũng mệt. Các bác giúp được đến đâu thì giúp, không thì cứ để đấy cho em!

Ông Sáng lại tiếp lời:

- Tôi nói trước, ngày xưa các cụ có câu “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” không sai đâu cô ạ!

Tận bây giờ, bà Hoa vẫn nhớ như in lời ông Sáng nói, cứ như một lời dự cảm từ trước.

Mọi người đều bảo con dâu bà sướng không biết đường sướng. Tâm là kỹ sư điện tử cho công ty Samsung ở Bắc Ninh. Tuy cách nhà bảy mươi cây số nhưng tuần nào Tâm cũng tranh thủ về nhà. Na đi học trung cấp kế toán rồi xin việc gần nhà. Mọi việc to nhỏ trong nhà từ cho con gà ăn, chợ búa đến trông cháu đều do một tay bà làm. Sáng ra, bà dọn dẹp tinh tươm, con dâu vẫn chưa dậy. Ông Hoàn, chồng bà lầm bầm thì bà bảo cứ để Na ngủ cố, chắc con đi làm về mệt. Mỗi khi cho con ăn cháo, uống sữa xong Na cũng vứt bát, vứt cốc đấy, bà phải lặng lẽ đi rửa. Mấy lần bà Hoa định bụng góp ý cho con dâu về nết ăn ở nhưng lại sợ nó cho rằng mình để ý, soi mói. Bà chỉ nghĩ đơn giản là Na nhìn thấy mình âm thầm dọn dẹp rồi nó cũng tự biết sẽ phải làm gì. Cho đến một ngày, bà Xuân, chị gái của bà ở trên Điện Biên về chơi một tuần. Ngày nào cũng thấy bà Hoa từ dưới nhà gọi với lên tầng để Na dậy ăn sáng cùng mọi người, bà Xuân chỉ lắc đầu. Lúc tiễn bà Xuân ra bến bắt xe về Điện Biên, bà Xuân mới nói với bà Hoa:

- Thanh niên bây giờ chúng sống cũng thoáng hơn. Nhưng nếu em không dạy dỗ, bảo ban con Na đến nơi đến chốn thì không ổn đâu. Cuộc sống còn về lâu về dài, các em rồi cũng già, có làm hộ chúng nó mãi được không? Em rất chiều con nhưng theo như những gì chị nhìn thấy thì chúng đâu có hiểu được lòng em.

Trên đường về, bà Hoa suy nghĩ rất nhiều, bà Xuân cũng đâu phải là người duy nhất góp ý với bà về việc này. Tối hôm ấy, nhân tiện có Tâm ở nhà, bà gọi cả hai vợ chồng Tâm lại nói chuyện, góp ý nhẹ nhàng. Điều bà không ngờ nhất là cô con dâu bấy lâu bà yêu thương và chiều chuộng dám lên tiếng cãi lại:

- Có một tý thế mà bác Xuân cũng để ý để tứ, cả mẹ nữa. Trước đây, mọi việc vẫn thế, có sao đâu. Mẹ chả bảo chúng con cứ lo việc công ty, còn việc ở nhà mẹ lo hết còn gì. Giờ mẹ lại nói thế. Mẹ nói hai lời à?

Bà Hoa nói như thanh minh:

- Ý mẹ không phải thế! Mẹ ở nhà nên mọi việc dọn dẹp chẳng nề hà gì. Chỉ mong các con ăn ở gọn gàng, ngăn nắp thôi!

Từ hôm đó, sau mỗi lần đi làm về mặt Na lại phụng phịu. Mẹ chồng hỏi thì nói trống không. Chỉ được vài hôm không bừa bãi rồi lại đâu đóng đấy. Có lần Tâm cũng góp ý thì Na tấm tức bỏ lên phòng với con. Hôm mẹ Na đến chơi với cháu ngoại, bà Hoa đem chuyện nói với mẹ Na, ngờ đâu, mẹ Na đùng đùng nổi giận với bà. Thật tình bà Hoa không biết làm thế nào.

Thế rồi, mỗi lần chồng về Na cứ mặt nặng mày nhẹ, lúc nào cũng càu nhàu những chuyện không đâu. Đỉnh điểm là việc bà bảo Na hãy tìm hiểu cách chăm con cho khoa học, không những không tiếp thu mà Na còn lớn tiếng quát lại bà. Thấy Tâm trừng mắt nhìn mình, Na quay sang nói với Tâm:

- Tôi biết mẹ con nhà anh bênh nhau, còn tôi khác máu tanh lòng, thế này thì sống làm sao được...

Chưa kịp dứt lời thì Tâm đã cho Na ăn một cái tát. Na giận dỗi thu vén quần áo, đưa cả Tít về bên ngoại, mặc kệ bà Hoa ra sức khuyên can. Kể từ đó, Na không quay lại nhà chồng nữa, giữa hai đứa thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, rồi chia tay.

Bà Hoa chạnh lòng nghĩ đến thằng Tít. Giờ thì chỉ khổ thằng cháu nội của bà. Không biết cháu có được chăm sóc tốt không? Cháu có khỏe không? Bà lại nhìn sang Tâm. Nó chỉ xin nghỉ có năm ngày về giải quyết việc riêng. Bà lại tự trách mình giá như bà bảo ban Na ngay từ đầu và nghiêm khắc hơn với con dâu. Người ta vẫn bảo, chiều quá hóa hư, cái gì cũng cần có giới hạn. Bà thầm nghĩ, nếu có cơ hội để thêm một nàng dâu, bà sẽ yêu thương, dạy bảo con nết ăn, nết ở để con biết cư xử đúng mực...

NGUYỄN PHƯƠNG LAN