Đừng để thầy cô phải quỳ

Chính trị - Ngày đăng : 09:48, 09/03/2018

Vụ việc một giáo viên tiểu học phải quỳ lạy xin lỗi phụ huynh học sinh vừa xảy ra mới đây tại Long An lại một lần nữa làm dư luận xôn xao.

Lý do của việc quỳ lạy này là vì cô đã trót phạt học sinh vi phạm nội quy cũng bằng hình thức quỳ gối.

Trước đó báo chí cũng từng đề cập đến một giáo viên ở Hải Phòng bị phụ huynh hành hung đến ngất xỉu ngay tại trường hồi tháng 9.2017. Chuyện phụ huynh gây sức ép, thậm chí lăng mạ giáo viên chỉ vì thầy cô xử phạt nặng hành vi sai trái của con em họ không phải chưa từng xảy ra. Mỗi lần như vậy, dư luận đều không khỏi bất bình trước hành động thiếu “tôn sư trọng đạo”, không thể chấp nhận được như báo chí đã nêu. Tiếc rằng, chỉ bất bình như vậy chưa đủ, những vụ việc đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Chưa bao giờ các thầy giáo, thầy thuốc lại bất an như hiện nay. Họ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào dù có thực sự mắc lỗi hay không.

Trở lại vụ việc của cô giáo ở Long An, việc phụ huynh yêu cầu cô giáo phải quỳ gối để xin lỗi đương nhiên là hành động không thể chấp nhận được. Nó không chỉ đi ngược truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt, mà còn là hành động phản giáo dục đối với chính con em của mình. Trẻ mắc lỗi không nhận thức được sai lầm của mình, lại được cha mẹ bênh vực một cách mù quáng thì không thể sửa chữa khuyết điểm, lại càng khó thành người tử tế.

Nhưng với cô giáo, cả chuyện cô bắt học sinh quỳ gối lẫn tự mình quỳ gối để xin lỗi phụ huynh đều không phải cách ứng xử phù hợp. Lâu nay nhiều giáo viên than thở rằng làm thầy thời nay thật khó. Học sinh bây giờ được bố mẹ nuông chiều quá mức, không khắt khe thì trẻ không học hành tử tế, mà nghiêm khắc thì rất dễ bị trả thù. Khi học sinh quá hư hỗn, thầy cô không kiềm chế được lỡ tay đánh học sinh, có thể bị gia đình kiện, không cẩn thận sẽ mất việc làm.  Hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh khi vi phạm nội quy, quy định của trường là đuổi học, nhưng nhiều trường không muốn áp dụng biện pháp này bởi ngay từ lúc tuyển sinh đã gặp khó khăn, tuyển không đủ chỉ tiêu. Vì vậy, nhiều “cậu ấm, cô chiêu” coi trời bằng vung vẫn nhởn nhơ đến trường, gây sự, thách thức sự kiên nhẫn của các thầy cô.

Vậy đâu là cách làm phù hợp, vừa có thể cảm hóa, giáo dục học sinh, vừa không vi phạm quy định của pháp luật, không để cha mẹ của học sinh kiện trường, trò kiện thầy? Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là xây dựng được một quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Một môi trường giáo dục đề cao tính kỷ luật sẽ giúp học sinh rèn cho mình tác phong học tập, ý thức kỷ luật tốt. Nhưng kỷ luật thế nào là nghiêm, thầy cô sẽ sử dụng hình phạt như thế nào khi học sinh mắc lỗi thì nhà trường và phụ huynh cần bàn bạc, thống nhất ngay từ đầu năm học, trên cơ sở tuân thủ các quy định chung. Cha mẹ học sinh cam kết chấp hành được nguyên tắc giáo dục của trường thì gửi con học, không chấp nhận được thì nên chuyển con đến trường khác. Khi đã chấp nhận thì miễn phản ứng nếu thầy cô làm đúng nguyên tắc đã đề ra. Ngược lại, giáo viên mỗi trường cũng cần tuân thủ đúng nguyên tắc giáo dục, kỷ luật học sinh, tránh lạm dụng hình phạt, gây bức xúc cho phụ huynh.

NGUYÊN ANH