Chính sách tiền lương chưa tạo ra động lực lao động

Chính trị - Ngày đăng : 17:08, 21/08/2018

Tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện...

Hỏi: Nước ta đã trải qua mấy lần cải cách chính sách tiền lương (CSTL) và mang lại kết quả gì? Những hạn chế, yếu kém trong chính sách tiền lương ở nước ta; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là gì?

Trả lời: 

- Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách CSTL vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003.

Kết luận Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về Đề án cải cách CSTL, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện theo chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng các khóa X, XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), đặc biệt là các Kết luận số 23-KL/TW ngày 29.5.2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW ngày 27.5.2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI). 

Kết quả là tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, CSTL từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Những hạn chế, yếu kém trong CSTL ở nước ta:

- CSTL trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. 

- Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.

- Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

- Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nguyên nhân của những hạn chế:

- Nguyên nhân khách quan: Nội lực nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích lũy còn ít, nguồn lực nhà nước còn hạn chế...

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về CSTL còn chậm, chưa có nghiên cứu căn bản và toàn diện về CSTL trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

+ Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn.

+ Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự là cơ sở để xác định biên chế, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trả lương.

+ Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và vai trò của tổ chức công đoàn trong các thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế.

+ Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về CSTL chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao.

(Theo Tài liệu hỏi - đáp về các văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Tuyên giáo Trung ương)