Tổng thống Hàn Quốc nỗ lực đưa Mỹ-Triều quay trở lại tiến trình đối thoại

Bình luận - Ngày đăng : 10:46, 13/04/2019

Nhằm tìm kiếm các cách thức cụ thể phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Mỹ ngày 10 - 11.4.

Với việc cả Mỹ và Hàn Quốc đều nhấn mạnh việc duy trì đối thoại với Triều Tiên, chuyến thăm được cho là tạo ra động lực để Mỹ-Triều tiếp tục đối thoại.

Sứ mệnh khó khăn của ông Moon Jae-in

Theo giới phân tích, mục tiêu của Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm lần này là tìm kiếm một bước đi “nhượng bộ mạnh dạn” của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên, để có cơ sở thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo đuổi một “thỏa thuận táo bạo” tương tự với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đây không phải là một sứ mệnh đơn giản đối với Tổng thống Moon Jae-in. Bởi lẽ, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua đã bất ngờ không đạt được thỏa thuận nào như kỳ vọng. Từ đó tới nay, mặc dù có một vài thông điệp tích cực vẫn được Mỹ và Triều Tiên phát đi, song tiến trình đối thoại dường như đình trệ khi cả hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ. Triều Tiên thậm chí cảnh báo rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân, còn Mỹ quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận “tất cả hoặc không có gì”. Khúc mắc nằm ở vấn đề trừng phạt, trong đó phía Triều Tiên đã nhiều lần đề nghị Washington dùng hành động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên như một cách thể hiện thiện chí đàm phán, song Mỹ chưa chấp nhận. Triều Tiên tỏ ra ưu tiên vấn đề dỡ bỏ trừng phạt, còn Washington vẫn coi trừng phạt là đòn bẩy quan trọng buộc Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba cho tới nay vẫn được để ngỏ. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ và Triều Tiên xem ra đã đi “quá xa” trên con đường hướng tới hòa giải, nhưng đều không muốn quay lại thời kỳ căng thẳng trước đây. Bên cạnh những động thái gây sức ép với Triều Tiên thì phía Mỹ cũng có hàng loạt bước đi theo hướng giữ cho quan hệ hai bên trong tầm kiểm soát, như Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố, hay Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục hủy các cuộc tập trận quy mô lớn trong năm nay. Còn Triều Tiên được cho là đang thông qua Hàn Quốc để hối thúc Mỹ tiếp tục đàm phán và thay đổi lập trường. Việc Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc về tình trạng đình trệ quan hệ hai miền hay tạm dừng hoạt động Văn phòng liên lạc liên Triều có thể là động thái gây áp lực, thúc ép Seoul đóng vai trò tích cực hơn trong việc thuyết phục Washington nhượng bộ.

Nguy cơ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đổ vỡ khiến vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thêm nặng nề, nhất là khi ông được coi là người “bắc cây cầu” giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ năm 2018 với sứ mệnh ngoại giao con thoi mà kết quả là lần đầu tiên sau một thời gian dài, Mỹ và Triều Tiên có thể đàm phán trên tinh thần thiện chí, với hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore và ở Hà Nội trong vòng chưa đầy 1 năm. “Dấu ấn” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bước đột phá giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận. Đây cũng là áp lực đối với Tổng thống Moon Jae-in, trong ‘sứ mệnh thuyết khách” của ông lần này.

Duy trì động lực đối thoại Mỹ-Triều

Với sức ép lớn như vậy, song tại cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Hàn Quốc đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng có những "dấu hiệu tiến bộ" và rằng Triều Tiên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhượng bộ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại. Nhận thức rõ việc Mỹ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận lớn mang tính toàn diện về vấn đề phi hạt nhân của Triều Tiên vào thời điểm này là phi thực tế, Tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất một thỏa thuận khiêm tốn hơn. Giới chức Hàn Quốc trước đó úp mở rằng thỏa thuận này có thể bao gồm quay trở lại ý tưởng dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, hay những bước tiến nhỏ hơn như mở cửa văn phòng liên lạc Mỹ-Triều, hoặc nhất trí một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cũng giải thích rằng một thỏa thuận nhỏ không phải là thỏa thuận tồi nếu nó hướng tới mục đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jea-in được xem là "triển khai từng bước" để đạt được thỏa thuận toàn diện.

Những nỗ lực của ông Moon Jea-in có vẻ đã nhận được phản hồi khá tích cực. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét các đề xuất cụ thể của Hàn Quốc và rằng "một số thỏa thuận nhỏ có thể được tính đến" cho dù mục tiêu của ông từ trước đến nay là theo đuổi một thỏa thuận lớn đi thẳng vào trọng tâm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chứ không đơn thuần là dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Cũng tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Hàn Quốc đã thúc giục Mỹ có sự nhượng bộ, cụ thể là "tạm hoãn một số lệnh trừng phạt chọn lọc" đối với Bình Nhưỡng, để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cửa tất cả cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc hy vọng có thể khuyến khích ông Trump đồng ý có nhượng bộ nào đó để tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc nhiều hơn giữa Mỹ và Triều Tiên. Mặc dù, Tổng thống Trump vẫn duy trì quan điểm cứng rắn đối với cách tiếp cận theo giai đoạn mà Bình Nhưỡng mong muốn, nghĩa là nhượng bộ từng bước để đổi lấy nới lỏng cấm vận từng phần, nhưng ông Trump tuyên bố rằng tại thời điểm này sẽ không có thêm bất cứ đòn trừng phạt mới nào đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ có "sự hỗ trợ tuyệt vời" về kinh tế cho Triều Tiên vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng ủng hộ Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Cho dù còn có một số khác biệt về cách tiếp cận với Triều Tiên, nhưng cả Mỹ và Triều Tiên nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Tổng thống Trump cũng tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể diễn ra, đồng thời ông cũng khẳng định các cuộc đàm phán "sẽ diễn ra từng bước và không thể vội vàng".

Có thể thấy, những bước đi "kiên nhẫn gỡ nút thắt" của Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến công du lần này, dù chưa thể tạo ra kết quả cụ thể, song đã giúp duy trì động lực đối thoại Mỹ - Triều, tránh để tiến trình phi hạt nhân hóa sụp đổ. Nó cũng cho thấy, với vai trò người "bắc cầu" và "giữ lửa" cho các cuộc đàm phán Mỹ- Triều, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang quyết tâm hơn bao giờ hết để thuyết phục cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên quay trở lại tiến trình đối thoại.

THANH LÂM (TTXVN)