Sự thật trường tồn

Chính trị - Ngày đăng : 07:53, 08/06/2019

Phnom Penh những ngày cuối tháng 6.1993 trải qua giờ khắc đặc biệt.


Người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: TTXVN

Sau những tháng ngày đen tối dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, người dân Campuchia tham gia cuộc tổng tuyển cử, bầu ra một chính phủ nhằm duy trì nền hòa bình trên đất nước chùa tháp.

Thế nhưng để đi tới được ngày vui ấy, đất nước Campuchia và người anh em láng giềng Việt Nam đã phải trải qua vô vàn đau thương, mất mát.

Cả thế giới đều biết rằng sau chiến thắng lịch sử năm 1975 của cả hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, nhân dân hai nước đều mong mỏi được sống trong độc lập, hòa bình để khôi phục, xây dựng lại đất nước, vốn bị tàn phá nặng nề sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Nhưng có ai ngờ được rằng niềm mong mỏi chính đáng ấy đã bị những kẻ phản bội trong tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan giày xéo. Chúng đã đồng thời thi hành một chính sách phản bội “kép”: Vừa thực thi chính sách diệt chủng đối với chính dân tộc mình, vừa tiến hành các hoạt động xâm lược, tàn sát người dân Việt Nam suốt dọc các tỉnh biên giới phía Tây Nam của Việt Nam.

Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan đã thực thi một cách có hệ thống chính sách diệt chủng tàn bạo, giết hại gần 3 triệu người (bằng 1/3 dân số Campuchia), phá hủy mọi cơ sở kinh tế, xã hội, tôn giáo, đẩy đất nước Campuchia tươi đẹp vào một thảm họa chưa từng có trong lịch sử.

Chỉ vài ngày sau khi quân và dân Việt Nam hoàn thành thắng lợi sự nghiệp thống nhất đất nước, bè lũ Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan đã tổ chức tấn công các đảo của Việt Nam, giết hại và bắt đi nhiều dân thường. Tiếp đó, chúng thực hiện một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện trên toàn tuyến biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1978, chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam vô tội, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người khác. Các cơ sở y tế, nhà thờ, trường học, chùa chiền dọc biên giới đều bị chúng phá hoại; trâu bò bị cướp, giết, ruộng đồng bị tàn phá, hơn nửa triệu người dân phải bỏ chạy tìm nơi trú ẩn…

Đáp lại lời kêu cứu trước họa diệt vong của nhân dân Campuchia, lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia, đồng thời thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, các lực lượng vũ trang Việt Nam đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan vào ngày 7.1.1979, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Những năm tháng sau đó, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng quân và dân Campuchia đánh đuổi quân Khmer Đỏ, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân Campuchia. Đó là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, với sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Máu của các anh đã đổ xuống điểm cao khô khát Phnom Melai, trên rặng núi hiểm Pailin, nơi triền cao Dângrek hay trong những cánh rừng già Siem Reap. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì vận mệnh của dân tộc Campuchia ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" và vì tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-Campuchia.

Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi.

Sự thật lịch sử đó giờ đây vẫn còn hiển hiện đây đó ở thủ đô Phnom Penh, ở các thành phố hay vùng nông thôn trên đất nước chùa tháp.

Những ký ức ghê rợn xưa kia có thể tìm thấy trong Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (trại giam S21 khét tiếng một thời) nằm trên phố Tuol Svay Prey ở phía nam Phnom Penh, hay Choeung Ek (Cánh đồng chết) cách Phnom Penh chừng 15 cây số, để tưởng niệm những nạn nhân đã bị chế độ tàn bạo Khmer Đỏ sát hại.

Cuộc chiến vì chính nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam cũng hiển hiện ở ngay thủ đô Phnom Penh, nơi có tượng đài các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến nghĩa tình cứu giúp một dân tộc anh em đang bên bờ bị diệt chủng.

Một trong những "tượng đài" nghĩa tình đó là Bệnh viện Chợ Rẫy-Phnom Penh, một bệnh viện hiện đại vào bậc nhất ở thủ đô của Campuchia. Đây là một trong số hàng trăm dự án đầu tư của Việt Nam ở Campuchia với tổng số vốn lên tới nhiều tỷ USD.Giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, các chiến sĩ Quân tình nguyện và cán bộ chuyên gia Việt Nam cũng giúp đỡ nhân dân Campuchia xây lại các công trình bị tàn phá dưới chế độ diệt chủng. Từ những viên thuốc quý báu mà các bác sĩ quân y Việt Nam nhường cho những người dân Campuchia, cho đến các trạm y tế cơ sở, bệnh viện được xây dựng sau chiến thắng 7.1.1979; từ những nắm cơm mà các chiến sĩ Quân tình nguyện sẻ chia cho những người dân Campuchia thiếu đói, cho đến những hợp đồng viện trợ lương thực, những nhà máy được xây dựng nhờ sự trợ giúp về tài chính của Việt Nam…

Sau khi cùng sát cánh với nhân dân Campuchia anh em trong cuộc chiến chống lại cái ác, nhân dân Việt Nam lại chung vai cùng nhân dân nước bạn trong cuộc chiến chống lại lạc hậu, nghèo đói, là một trong những nguồn gốc tạo nên cái xấu, cái ác.

Trên thế giới, liệu có một dân tộc nào, sau khi đã hy sinh bao xương máu để giúp một dân tộc khác khỏi họa diệt chủng, rồi lại tiếp tục công cuộc hồi sinh cả một đất nước đi lên từ số 0 như thế?

Sau cuộc bầu cử năm 1993, Campuchia đã có nhiều nét đổi thay, ngày càng hòa nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế. Một trong những cột mốc của quá trình hòa nhập này là việc Campuchia trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào tháng 4.1999. Sau ngày 7.1.1979, nhân dân Campuchia đã hồi sinh; sau cuộc bầu cử năm 1993, đất nước Campuchia đã vươn dậy để trở thành một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế.

Các chiến sĩ Quân tình nguyện, các cán bộ chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, kề vai sát cánh cùng quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Nhân dân Campuchia cũng không quên. Nhiều nhà lãnh đạo và người dân Campuchia đã khẳng định nếu không có sự hy sinh cao cả của bộ đội Việt Nam thì dân tộc Campuchia sẽ không có cơ hội có được ngày chiến thắng lịch sử 7.1.1979, thoát khỏi nạn diệt chủng, để có được tên tuổi trên thế giới.

Đó là sự thật lịch sử trường tồn như nụ cười đá vĩnh viễn trên những tượng tháp Bayon! 

YÊN BA