Việt Nam lên tiếng vụ máy bay Úc - Trung Quốc chạm trán trên Biển Đông

Tin tức - Ngày đăng : 16:32, 09/06/2022

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động của các nước trên Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, và không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Tại họp báo thường kỳ ngày 9.6, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin "máy bay Úc bị máy bay tiêm kích Trung Quốc quấy rối" trên vùng trời thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

"Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế". 

Trung Quốc và Úc đã lời qua tiếng lại vì sự cố ngày 26.5 trên Biển Đông. Hôm 5.6, Bộ Quốc phòng Úc lần đầu xác nhận một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm khi bay cắt mặt máy bay tuần thám P-8A của Úc trên Biển Đông.

Quan chức quốc phòng Úc sau đó mô tả máy bay Trung Quốc đã thả các túi nhôm trước máy bay Úc. Một vài mảnh nhôm trong số này cuốn vào động cơ, nhưng máy bay Úc vẫn trở về căn cứ an toàn.

Quân đội Trung Quốc sau đó bác bỏ các cáo buộc và cho rằng nước này đã hành động hợp lý. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cáo buộc chiếc P-8A "liên tục tiếp cận không phận Trung Quốc" ở quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp.

"Sự cố lần này xảy ra trong không phận quốc tế", Thủ tướng Úc Anthony Albanese phản ứng khi được hỏi về tuyên bố của Trung Quốc.

Theo các đánh giá và hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã ngang nhiên cải tạo và triển khai bất hợp pháp các khí tài phòng không cùng chiến đấu cơ tại một số thực thể ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh không nói rõ các chiến đấu cơ chạm trán máy bay Úc xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, sự việc một lần nữa khiến giới quan sát lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến tự do hàng không trên Biển Đông.

Theo Tuổi trẻ