Chủ nhật vừa rồi, bố mẹ cho chị em tôi đi chơi khắp một vòng thành phố quê hương.
Mặc dù TP Hải Dương là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, tôi cũng đã từng cùng các bạn của mình ngược xuôi khắp các nẻo đường của thành phố nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi thăm thành phố theo đúng nghĩa cùng cả gia đình thân yêu của mình, vì thế mà cảm xúc trong tôi thật khác lạ.
Ngay từ sáng, bằng hai xe máy, bố mẹ và hai chị em tôi thong thả lên đường. Thời tiết thật chiều lòng người, ánh nắng vàng trải nhẹ khắp nơi, gió thu thổi dìu dịu, không gian thật thoáng đãng. Chạy dọc đại lộ Hồ Chí Minh thênh thang là đến trung tâm thành phố. Nơi đây thật sầm uất, các tòa nhà bưu điện, ngân hàng, siêu thị… kiêu hãnh vươn cao với những ô cửa kính lấp lánh, những cửa hàng, cửa hiệu với các mặt hàng phong phú. Cung thiếu nhi với khu vui chơi rộng rãi, náo nức tiếng cười trẻ thơ. Rời trung tâm thành phố theo đường đôi Hồng Quang là tới ga Hải Dương - nơi đong đầy cảm xúc vui buồn, mừng tủi của những cuộc chia tay, gặp gỡ, nơi đưa đón những chuyến tàu đến, tàu đi. Đây cũng là nơi gia đình tôi thường đến vài lần trong năm để nhờ những con tàu đưa tới bà ngoại ở xa. Không khí nơi đây thật náo nhiệt với đủ thứ âm thanh: tiếng rao hàng, tiếng chào mời, tiếng loa phóng thanh nhắc nhở hành khách, tiếng reo cười khi gặp lại, lời thủ thỉ dặn dò lúc chia xa, tiếng còi tàu gấp gáp, giục giã… tất cả gợi lại trong tôi cảm giác thật gần gũi hệt như những lần háo hức lên tàu đi thăm bà ngoại. Rời ga rồi mà trong tiềm thức tôi như còn vọng mãi tiếng còi tàu tu... tu... xình… xịch…
Cách ga không xa là đường số 5. Trên đường, xe cộ qua lại như mắc cửi, hai bên đường những nhà hàng lớn bày đủ thứ đặc sản mang hương vị quê hương: bánh đậu xanh, bánh gai, bánh khảo… mời gọi du khách dừng chân. Cây cầu Phú Lương cong cong vắt ngang con sông Thái Bình như tô thêm vẻ yêu kiều cho thành phố. Đứng trên cây cầu lộng gió, phóng tầm mắt về phía bên phải thấy ngay cây cầu sắt cũ. Chỉ về phía đó, bố nói với chị em tôi rằng cây cầu sắt ấy chính là một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến biết bao sự kiện, bao cuộc chiến đấu của ông cha từ thời chống Pháp, bao sự đổi thay của thành phố. Đến nay, cây cầu lịch sử này vẫn ngày ngày nâng bước cho những chuyến tàu qua.
Về phía đông thành phố, bên con đường Thanh Niên to đẹp là công viên Bạch Đằng với mặt hồ trải rộng như chiếc gương hình bầu dục in bóng mây trời. Trên mặt hồ, những chiếc thuyền thiên nga bơi chầm chậm. Ven hồ, bên những rặng liễu mềm mại soi mình xuống mặt nước, trên những thảm cỏ xanh mượt, cạnh những vòm cây xanh được cắt tỉa gọn gàng với nhiều hình thù vui mắt, mọi người đủ các lứa tuổi đang thảnh thơi dạo bước. Khắp nơi, tiếng cười, tiếng nói râm ran. Dường như ai cũng muốn đến đây để hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ. Thích nhất là được đến khu đô thị phía tây, nơi có tòa cao ốc 25 tầng cao vút, có các cơ quan lớn của thành phố, có Tòa soạn Báo Hải Dương - nơi tôi đã đến một vài lần và được gặp các cô chú phóng viên, biên tập viên thật thân thiện gần gũi. Ngước mắt nhìn những tòa nhà cao vút, em tôi thỏ thẻ với bố mẹ: “Sau này lớn lên con sẽ làm việc trong những tòa nhà ấy”. Bố mẹ gật đầu cười nói: “Các con chính là thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố, hãy cố gắng học thật giỏi để ước mơ đó thành hiện thực con nhé!”
Kết thúc hành trình, cả nhà tôi trở về với ngôi nhà nhỏ yên bình của mình nằm khiêm nhường trong một con ngõ nhỏ. Tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã dành cho chị em tôi một ngày tháng mười thật bình yên, thật nhiều cảm xúc để thêm yêu mến, thêm tự hào về thành phố quê hương.
PHẠM THỊ THU THẢO(Lớp 12 văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương)