"Yêu nhau" như thế...

27/03/2022 08:07

Trong thời gian ngắn vừa qua, đã liên tiếp có những câu chuyện buồn liên quan đến một số di tích lịch sử, văn hoá ở Hải Dương.

Từ chuyện tu bổ, tôn tạo nghi môn đền An Liệt, di tích cấp quốc gia ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) không đúng thiết kế, tới chuyện đình cổ Tự Đông ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) bị vẽ "Con đường bích họa" rất không phù hợp; trong quá trình tu bổ, một bức tường của chùa Tranh (Ninh Giang) bị đổ sập làm một người chết...

Điều đáng nói là nguyên nhân của những hành vi này lại xuất phát từ những ý nghĩ cho rằng như vậy là tốt đẹp. Các đoàn viên thanh niên vẽ bức bích họa với hình ảnh bản đồ Việt Nam và một số phong cảnh lên bức tường phía sau hậu cung và tường bao của ngôi đình Tự Đông với ý nghĩ là trang trí cho phong cảnh thêm đẹp mắt. Còn với đền An Liệt, theo lãnh đạo UBND xã này giải thích do thiếu nguồn kinh phí nên chưa hoàn thiện theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Cách "trùng tu" đó không đạt được mục đích cần hướng tới mà còn làm di tích bị huỷ hoại một phần.

Sở dĩ xuất phát từ mục đích tốt đẹp mà cách thực hiện lại "trái ngang" như vậy là do kiến thức, nhận thức của những người thực hiện còn hạn chế. Và có lẽ một lý do nữa là để giữ lại những phần đang xuống cấp của công trình, cải tạo để trở về như trước đây luôn là việc khó khăn, còn đập cũ xây mới thì dễ dàng hơn nhiều. Vì thế nhiều nơi đã chọn dễ bỏ khó. Việc trùng tu như vậy thường chỉ được phát hiện khi chuyện đã rồi và sau đó, hầu như không ai phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm khắc, nên những câu chuyện làm mới di tích theo kiểu dở khóc dở cười đó vẫn diễn ra trong nhiều năm, cho đến tận bây giờ. 

Để các di tích không bị làm tổn hại một cách đáng tiếc như vậy, điều cần thiết nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm về bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá cho đội ngũ những người liên quan, nhất là ở cơ sở. Công tác trùng tu và những tác động khác tới di tích cần được các cấp có thẩm quyền thẩm định kỹ lưỡng từng hạng mục. Trong quá trình thi công cần có sự giám sát chặt chẽ để thực hiện đúng yêu cầu. Nếu di tích bị làm tổn hại thì những người liên quan phải chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc và thích đáng trước pháp luật.

Hiện nay, bức tường tại đình Tự Đông đã được sơn lại, xóa bỏ những bức bích họa; sự việc ở đền An Liệt cũng đã được chỉ đạo khắc phục theo hướng yêu cầu địa phương thực hiện đúng thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hình ảnh bức tường sơn mới gắn với một di tích cổ đã phần nào làm tổn hại đến ngôi đình. Còn nghi môn đền An Liệt không biết đến bao giờ mới được khôi phục lại để phần nào xoá đi vết tích của sự ứng xử chưa đúng mực với di tích?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Yêu nhau" như thế...