Yêu nhau cứ phải thịt dê, tương gừng…

24/01/2012 09:08

Một lần sang thăm Đức, nhà thơ Trần Đăng Khoa được làm việc với một phiên dịch, hướng dẫn viên nước bạn hết sức tâm đắc. Anh tên là Frank Gerke ( Phrăng Ghéc-ke ). Anh nói tiếng Việt như người Việt. Anh còn thông hiểu văn hóa Việt, cả các món ăn nhậu, đến hát chèo, dân ca, cải lương, bài chòi… Trần Đăng Khoa để ý thấy trên ngực anh có mảnh băng đen, đang định tìm lời chia buồn thì Gerke nói ngay:
- Tôi để tang anh Trịnh Công Sơn đấy!

Anh kể: Đang dạy Lịch sử Việt Nam tại Đại học Bon, nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, thế là anh bỏ dạy về nhà, ốm một tuần liền, người sút ba ký. Hỏi chuyện nói tiếng Việt, anh kể đã từng phiên dịch cho một công ty cà phê Đức tại Ban Mê Thuột. Còn học ở đâu, anh nói : "Học ở quán "mộc tồn", cánh bợm nhậu dạy tôi". Nhà thơ Lữ Huy Nguyên có tặng Gerke một bài thơ tứ tuyệt: " Thầy Tây mà chẳng Tây/ Tiếng Việt như ma xó/ Hỏi nó học ở đâu/ Học ở quán thịt chó". Gerke kể tên nhiều người anh biết tiếng hoặc đã gặp gỡ: Từ cụ Đỗ Chiểu, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Bảo Phúc, thi sĩ Nguyễn Duy, thi sĩ Bùi Giang… Anh đặc biệt mến phục nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã tặng băng nhạc và đã dạy anh hát theo băng, mà coi anh như người anh.

Ngày cuối cùng ở Đức, bạn bè người Việt ở Nhà Văn hóa Việt Nam tại Đức tổ chức gặp mặt, liên hoan với món đặc sản việt là thịt dê. Trong lúc rượu ngà ngà, F. Gerke đề nghị mỗi người góp một câu thơ theo giọng Bút Tre để "chào mừng nhà thơ Trần Đăng Khoa sang thăm nước Đức". Rồi anh hào hứng mở đầu:
Yêu nhau góp ít máu dê
Mừng anh Văn Khỏa (Khoa ) từ quê sang đầy ( đây )…

Thế là lần lượt những người có mặt ứng tác một câu lục bát theo đúng vần người trước đã đọc. Cuối cùng, chính anh bạn Đức khép lại bài thơ dài bằng bốn câu thật tuyệt vời:
Ra về hãy nhớ lời thề

Yêu nhau cứ phải thịt dê, tương gừng
Em phừng phừng, lão phừng phừng,
Bố thằng nào dám lẫy lừng vào đây!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu nhau cứ phải thịt dê, tương gừng…