Tỷ lệ sách giáo khoa (SGK) được dùng lại còn thấp, chỉ chiếm 35% số lượng xuất bản hằng năm. Nguyên nhân dẫn đến số lượng SGK dùng lại thấp do bị học sinh viết vào.
Nhiều giáo viên dạy từ bậc tiểu học đến THPT cho biết việc học sinh viết trực tiếp vào SGK hầu hết chỉ diễn ra ở bậc tiểu học, tập trung ở lớp 1, lớp 2, còn từ lớp 3 trở đi giảm dần và đến lớp 5 gần như không còn. Nguyên nhân chính là do thiết kế, bố trí SGK vừa cung cấp kiến thức lý thuyết vừa kèm theo bài tập. Ngoài các bài tập truyền thống, SGK có rất nhiều dạng bài trắc nghiệm, lựa chọn, kéo nối, điền từ, số vào... Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến SGK khó dùng lại được bởi SGK một số môn chính của bậc tiểu học hầu như được học sinh sử dụng cả ngày nên nhanh bị nhàu, rách. Hiện nay, điều kiện kinh tế của hầu hết các gia đình không còn quá khó khăn như trước và một bộ SGK không quá đắt nên không phải gia đình nào cũng muốn dùng lại sách cũ.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: "Con tôi năm nay học lớp 5. Những năm trước, năm học nào cháu cũng được người nhà cho 1 bộ SGK cũ. Gia đình tôi tuy điều kiện kinh tế chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn muốn mua sách mới cho con bởi số tiền mua SGK cả năm không tốn bằng tiền mua bút và các khoản đóng góp khác".
Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận về sự lãng phí trong việc sử dụng sách giáo khoa, ngày 24.9.2018, Bộ GDĐT có Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Nội dung chỉ đạo này đang khiến nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên bậc tiểu học băn khoăn.
Một số giáo viên cho rằng với thiết kế SGK và chương trình dạy học như hiện nay mà yêu cầu học sinh không được viết vào SGK thì khó mà bảo đảm được. Một tiết học ở bậc tiểu học chỉ có 35 - 40 phút thường đã mất nửa thời gian để giáo viên kiểm tra bài, củng cố kiến thức cũ, giảng bài mới. Nếu học sinh không làm bài trực tiếp vào SGK thì nửa thời gian còn lại các em sẽ thực hiện được rất ít bài tập. Cùng với đó, giáo viên sẽ không bảo đảm được mục tiêu, chuẩn kỹ năng, kiến thức của tiết học. Hơn nữa, có những bài học sinh có thể làm vào vở, còn các bài có mô hình, hình vẽ, tô màu, trắc nghiệm, kéo, nối... thì không thể không làm trực tiếp vào SGK. Theo nhiều giáo viên thì SGK cho học sinh lớp 1, lớp 2 thiết kế như hiện nay khá phù hợp, đặc biệt là môn toán lớp 1, lớp 2 vì có hệ thống bài tập phong phú, sinh động, mang tính trực quan cao. Hầu hết các bài trình bày cùng với hình ảnh, mô hình để tránh việc nhàm chán, tạo hứng thú làm bài cho học sinh.
Do đó, để tránh lãng phí SGK thì phải thay đổi thiết kế, trình bày sách chứ không phải cách làm đối phó nửa vời như phương án của Bộ GDĐT.
DANH TRUNG