Sự xuống cấp của hệ thống hồ đập ở Chí Linh ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều tiết lũ cho khu vực hạ lưu của tỉnh, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân...
Cống tưới hồ Trại Sen, xã Văn An (Chí Linh) đã xuống cấp. Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp
Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh vận hành cống tưới
Thị xã Chí Linh có 68 hồ đập. Hệ thống hồ đập này có vai trò quan trọng điều tiết lũ cho khu vực hạ lưu của tỉnh và cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân thị xã. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống hồ đập này đang xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơCách đây chưa lâu, cơn bão số 5 với lượng mưa lớn đã khiến nước từ hồ Bến Tắm ngoài dâng cao và xoáy vào nhà bà Phùng Thị Hiền ở khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân, làm sập 1 gian buồng và một số công trình phụ trợ. Cũng tại phường Hoàng Tân, những đợt mưa lớn kéo dài của cơn bão số 6 còn khiến nước dâng cao qua xả tràn hồ Phú Lợi, gây ngập úng cục bộ nhiều khu vườn của các hộ dân sống xung quanh. Ông Nguyễn Văn Lê sống cạnh hồ Phú Lợi cho biết: "Nước lớn tràn qua đập làm nhiều diện tích vườn của gia đình tôi bị ngập úng. Chúng tôi sống xung quanh hồ này lúc nào cũng nơm nớp lo nước hồ dâng cao làm vỡ đập, nhà cửa sẽ trôi hết". Hồ Phú Lợi và Bến Tắm ngoài đã nhiều năm không được nạo vét, lòng hồ bị bồi lắng. Tuyến kênh tiêu của hai hồ trên dài gần 3.000 m đã bị nhiều nhà dân lấn chiếm hành lang, khiến lòng kênh bị thu hẹp, tiêu thoát nước khó khăn khi nước hồ dâng cao. Ông Nguyễn Như Sếnh, Trưởng phòng Kỹ thuật (Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh) cho biết: "Sau khi UBND tỉnh phân cấp quản lý công trình thủy lợi, xí nghiệp quản lý 8 hồ gồm: Bến Tắm ngoài, Phú Lợi, Trại Sen, Hố Vễn, Chín Thượng, Chóp Sôi, Suối Găng, Láng Trẽ. Hầu hết các hồ này đều được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Nhiều công trình phụ trợ như cống tưới, thân đập, máng tràn đã xuống cấp. Lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp nhiều chỗ. Hiện nay, máng tràn của hồ Chín Thượng đã bị sạt lở một phần, mái đập của hồ Suối Găng phía thượng lưu, giáp cống điều tiết đã bị sụt lún. Nhiều tràn xả lũ có kết cấu bằng đất, nằm cạnh chân đồi nên qua mấy trận mưa đã có hiện tượng đất trôi xuống đáy tràn gây bồi lắng".
Không chỉ riêng 8 hồ do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh quản lý đang bị xuống cấp mà 60 hồ còn lại do địa phương quản lý cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hầu hết các hồ đều bị bồi lắng, dung tích trữ nước giảm dần qua các năm. Các đập tràn đều bằng đất thường xuyên bị sụt lún. Đặc biệt, các hồ Hố Sếu, Hố Giải ở xã Hoàng Hoa Thám; hồ Trại Nẻ, An Bài ở xã An Lạc đã bị người dân xung quanh lấn chiếm khiến lòng hồ bị thu hẹp, bồi lắng. Bà Trần Thị Hiếu sống cạnh hồ Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "5 năm trước, hồ Hố Giải sâu lắm, vào mùa khô nước lúc nào cũng xâm xấp hồ. Vậy mà gần đây, hồ trữ được ít nước. Khu ruộng nhà tôi cách hồ 50 m trước đây lấy nước tưới rất dễ dàng nhưng nay mỗi năm phải để cỏ mọc tới 5 tháng do không có nước tưới. Điều đáng ngại là vào mùa đông, nước giếng khơi nhà nào cũng bị cạn trơ đáy; còn vào mùa mưa lúc nào cũng lo đập bị vỡ".
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện nay ở nhiều hồ, cống lấy nước ngắn, nhiều hồ nhỏ không có tràn xả lũ hoặc có nhưng không đáp ứng yêu cầu. Phần lớn hồ đập trong tỉnh vẫn là đập đất. Loại đập này có điểm yếu là khi nước tràn qua dễ gây xói, moi sâu vào thân đập dẫn đến nứt vỡ. Bên cạnh đó, hệ thống tràn xả lũ của phần lớn các hồ, đập có kích thước nhỏ. Khi mưa lớn, tràn không đủ khả năng tháo lũ, đe dọa đến an toàn đập. Ngoài ra, khi tần suất mưa lớn kéo dài, đất thân đập bị ngấm nước làm giảm khả năng chống đỡ dẫn tới nguy cơ vỡ đập, đe dọa tài sản và tính mạng người dân. Điều đáng quan tâm hiện nay là hầu hết các hồ ở tỉnh ta chưa xây dựng được quy trình vận hành chi tiết. Công nhân vận hành các hồ chứa chủ yếu theo kinh nghiệm nên rất khó xử lý khi có sự cố xảy ra. 60 hồ do thị xã Chí Linh quản lý, người vận hành chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn nên hiệu quả công việc thấp.
Nhiều máng tràn xả lũ của hồ Trại Sen (Chí Linh) bằng đất, nhỏ, khó tiêu nước
Thiếu vốn để nâng cấpViệc nâng cấp hồ đập hiện là một yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên những năm qua, hệ thống này được đầu tư cải tạo không nhiều. Mới chỉ có một số hồ chứa như: Suối Găng, Láng Trẽ, Phú Lợi, Bến Tắm ngoài, Rừng Sành, Đập Tường, Phượng Hoàng được gia cố mái đập, xây mới hoặc nâng cấp hệ thống cống tưới và tràn xả lũ. Còn lại 61 hồ hiện chưa được đầu tư nâng cấp, mức an toàn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn.
Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: "Để đầu tư nâng cấp một hồ phải mất hàng chục tỷ đồng, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các địa phương không thể huy động người dân hay tự trích kinh phí ra làm. Trong khi chưa có kinh phí đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương trực tiếp quản lý các hồ thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình như đập tràn, cống điều tiết. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên công trình; sẵn sàng các biện pháp sơ tán, chuẩn bị lực lượng khi xảy ra sự cố".
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực xây dựng quy trình vận hành các hồ chi tiết. Trước mắt, trong năm nay, sở cũng đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư kinh phí để nâng cấp hồ Chóp Sôi và Trại Gạo.
Để bảo vệ hồ, người dân sống xung quanh cũng cần thường xuyên vệ sinh môi trường lòng hồ để cải thiện nguồn nước.
PV