Thanh niên bị điện giật ngưng tim, ngưng thở được cứu sống

04/11/2020 16:00

Thanh niên 26 tuổi trong lúc hàn xì bị điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở may mắn được cứu sống nhờ các bác sĩ áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt.


Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật 'ngủ đông' gần 3 ngày

Ngày 4.11, khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa cứu sống thành công một trường hợp bị điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy. Đây là kỹ thuật làm lạnh chủ động để đưa thân nhiệt xuống từ 32-36 độ C.

Theo đó, ngày 28.10, thanh niên 26 tuổi đang hàn xì ở nhà tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh thì bất ngờ bị điện giật ngã xuống đất. Lúc này, người nhà nạn nhân phát hiện kịp thời và thực hiện các biện pháp sơ cứu tại chỗ rồi chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức liên tục trong vòng khoảng 45 phút rồi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê hoàn toàn. Để bảo tồn não, tim và các cơ quan nội tạng, các bác sĩ khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.

Bệnh nhân được hạ thân nhiệt và duy trì thân nhiệt ở 36 độ C. Mục đích của phương pháp là giảm thiểu những tổn thương não, bảo vệ não cho bệnh nhân khi thiếu oxy não kéo dài.

Bác sĩ Hoàng Văn Sỹ, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, một trong những chỉ định chính của phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là bảo vệ não cho bệnh nhân sau ngưng tim ở người lớn. Còn trẻ em có những bệnh lý não thiếu máu cục bộ do thiếu oxy. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị tổn thương não do chấn thương cũng được sử dụng kỹ thuật này để bảo vệ não.

Hiện tại, Bệnh Chợ Rẫy đang thực hiện 2 kỹ thuật hạ thân nhiệt là nội mạch xâm lấn và bề mặt không xâm lấn. Kỹ thuật này đã cứu sống cho nhiều bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, hạn chế các biến chứng giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân ngưng tim ngưng thở ngoại viện chỉ có từ 2-9% sống để xuất viện, trong đó có 1/3 bệnh nhân bị rối loạn ý thức. Còn bệnh nhân nội viện bị ngưng tim, ngưng thở, tỷ lệ được cứu sống và có thể xuất viện khoảng 18%.

Do đó, hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật là kỹ thuật rất quan trọng cho bệnh nhân, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, giảm tổn thương tế bào não, tim, các tạng khác, giảm tổn thương thiếu máu cục bộ, giảm tổn thương hàng rào máu não và chết neuron thần kinh, giảm phản ứng viêm và các sản phẩm oxy hoá độc tế bào, giảm tỷ lệ chuyển hoá tế bào não, giảm nhu cầu oxy hoá và glucose.

Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau thời gian điều trị

Bệnh nhân được chỉ định phương pháp này là những bệnh nhân hôn mê không đáp ứng với lời nói, kích thích đau, ngưng hô hấp tuần hoàn, hồi sức tim có đập trở lại. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng: nhiễm trùng, bỏng lạnh, huyết khối, loạn nhịp tim (rung thất), sốc giảm thể tích, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, run cơ, ly giải cơ, rối loạn điện giải. Do đó các bác sĩ phải kiểm soát các yếu tố, theo dõi tình trạng của bệnh nhân liên tục.

Bác sĩ khuyến cáo hiện tượng đột tử, ngưng tim ở cộng đồng khá nhiều. Khi phát hiện bệnh nhân đột ngột ngưng tim ngưng thở cần sơ cứu để bảo tồn lưu lượng máu lên não, tim, cơ quan quan trọng. Ngay sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục hồi sức tim, chuyển đến trung tâm có phương pháp hạ thân nhiệt để được điều trị càng sớm càng tốt, giảm các tổn thương di chứng về sau.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Thanh niên bị điện giật ngưng tim, ngưng thở được cứu sống