Tại sao bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh?

29/06/2020 10:31

Bệnh bạch hầu, căn bệnh tưởng như khó gặp ở thành phố lớn trong những năm gần đây, đã bất ngờ xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, sau khi xuất hiện tại Đắk Nông, làm 1 trẻ tử vong.

Tại sao bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP.HCM? - Ảnh 1.

Bà Dương Thị Hồng (người đứng) thăm hỏi bà mẹ đưa con đến tiêm chủng hôm 26.4, ngày tiêm chủng trở lại đầu tiên sau giãn cách xã hội tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương - Ảnh: L.ANH

Dịch sởi, bạch hầu, ho gà... xuất hiện những năm gần đây đều có lý do liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. 

Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia kiêm Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tiến sĩ Dương Thị Hồng chia sẻ: Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần đạt tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng để có thể khống chế bệnh dịch. 

Do vậy, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 95% trên toàn quốc là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Chương trình TCMR luôn hướng đến ngay cả khi bệnh không xuất hiện.

Tuy nhiên thực tế trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng một số vắcxin chưa đạt cao. Các hoạt động tiêm chủng đã tạm ngừng trên phạm vi toàn quốc trong thời gian giãn cách xã hội 3 tuần đầu tháng 4. Do khống chế tốt dịch COVID-19, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai lại hoạt động TCMR và giảm thiểu mức thấp nhất gián đoạn công tác TCMR. 

Tỷ lệ tiêm chủng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu (khoảng 40%). Tỷ lệ tiêm vắcxin sởi-rubella, DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn 5 tháng đầu năm 2019. Tỷ lệ tiêm chủng các vắcxin tại một số địa phương vẫn chưa đạt chỉ tiêu.

* Theo bà, lý do chính liên quan đến tình hình giảm sút tiêm chủng là gì?

- Tiếp cận dịch vụ tiêm chủng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số... còn gặp nhiều khó khăn do giao thông đi lại, thói quen, tập quán và nhận thức của người dân nên cần vận động người dân đưa con đi tiêm chủng. Tại một số địa phương có biến động dân cư lớn như các khu giáp ranh, khu công nghiệp... công tác quản lý đối tượng tiêm chủng gặp nhiều thách thức. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển đổi vắcxin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib năm 2018, 2019, một số cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm vắcxin dẫn đến không cho con đi tiêm chủng hoặc tiêm muộn khiến tỷ lệ tiêm chủng vắcxin này giảm xuống. 

Và với nguyên nhân bất khả kháng do dịch COVID-19, hoạt động tiêm chủng trên toàn quốc đã tạm ngưng trong 3 tuần đầu tháng 4.2020 vừa qua cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ tiêm chủng các vắcxin trong chương trình đầu năm nay.

* Tình hình tiêm chủng như vậy có liên quan gì đến một số dịch bệnh gần đây như sởi, ho gà, bạch hầu, thưa bà?

- Tỷ lệ tiêm chủng giảm là điều kiện thuận lợi cho các virus, vi khuẩn lưu hành trong cộng đồng và có nguy cơ gây ra bệnh dịch. Đặc biệt trong điều kiện một số bệnh như bại liệt, bạch hầu, sởi... có khả năng lây lan mạnh và dễ gây dịch trong các cộng đồng có miễn dịch kém. 

Trong năm 2019 ghi nhận số ca mắc sởi, bạch hầu, ho gà tăng. Cụ thể, ghi nhận vụ dịch sởi trên quy mô lớn với 11.256 ca mắc, chủ yếu ở trẻ độ tuổi 1-10 chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Có 1.013 ca ho gà trong năm 2019, và ghi nhận 50 ca mắc bạch hầu tại 7 tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, tình trạng trì hoãn tiêm vắcxin sởi theo lịch trong TCMR để tiêm vắcxin dịch vụ khiến cho nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm chủng bị mắc bệnh sởi, ho gà trước khi được tiêm vắcxin. Đối với nhóm người lớn và trẻ lớn nếu đã tiêm một số vắcxin như vắcxin bạch hầu, ho gà, uốn ván khi còn nhỏ tuổi thì miễn dịch phòng bệnh nếu có cũng giảm dần theo thời gian. 

Do vậy, một số trường hợp vẫn có thể mắc bệnh mặc dù đã tiêm đủ mũi khi còn nhỏ. Tình trạng nhiều bà mẹ không còn kháng thể để truyền cho con khiến nhiều trẻ mắc ho gà, sởi trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng.

* Giải pháp khắc phục trong thời gian tới đây như thế nào?

- Tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên. Trong các tháng tới đây, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát trẻ sót mũi, triển khai tiêm bù, tiêm vét các loại vắcxin trong chương trình TCMR cho trẻ chưa được tiêm chủng. Dự án TCMR cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Kiểm định chất lượng nghiêm ngặt

Các vắcxin sử dụng trong chương trình TCMR và vắcxin dịch vụ đều phải trải qua quá trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt theo quy định và bảo đảm tính an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Đã có hàng trăm triệu liều vắcxin sản xuất trong nước được triển khai trong chương trình TCMR và chứng minh có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, giảm tỉ lệ lây nhiễm viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 1%, khống chế bệnh sởi, rubella. Tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà... giảm hàng trăm lần.

Đối với vắcxin nhập khẩu gồm vắcxin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib và vắcxin bại liệt tiêm IPV đều là các vắcxin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cung ứng. Điều kiện bảo quản vắcxin trong hệ thống dây chuyền lạnh từ khi xuất xưởng cho đến khi sử dụng được kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm chất lượng khi đến người dùng. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể yên tâm cho con đi tiêm chủng các vắcxin trong chương trình.

Cha mẹ có thể lựa chọn vắcxin trong chương trình hay tiêm chủng dịch vụ nhưng cần cho con đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch vì chính sức khỏe con em mình và vì trách nhiệm chung với cộng đồng.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Không để dịch bạch hầu bùng phát trở lại

Chiều 28.6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên và đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Từ đầu tháng 6 đến nay, đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ ngày 3 đến 8.6, 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6, xã Quảng Hòa.

Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh đến trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Nông và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truyền thông các biện pháp phòng chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vắcxin Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sống tại khu vực có dịch.

Tiến sĩ Văn Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho hay Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10.000 liều vắcxin Td, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Bên cạnh đó, viện còn cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.

Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính, rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã tới điểm tiêm chủng tại thôn 6 (đội 2) xã Quảng Hòa. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vắcxin Td trong đợt này là 274 người. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã tới thăm gia đình ông Sùng Văn T. có con gái là cháu Sùng Thị H., 9 tuổi, tử vong vì bệnh bạch hầu trong đợt dịch này.

Tại sao bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP.HCM? - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh?