Những người “vạch mặt” SARS- CoV-2 ở Hải Dương

29/03/2020 12:00

Những cán bộ làm xét nghiệm phải đối mặt hiểm nguy phơi nhiễm nhiều lần khi đương đầu với đại dịch Covid-19. Họ là những người hết sức thầm lặng, ít người biến đến, tỉ mỉ để "vạch mặt" SARS-CoV- 2.


Mỗi sơ suất nhỏ sẽ khiến những người làm xét nghiệm đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19

Nhiệm vụ là trên hết

Suốt từ ngày 30 Tết đến nay, những cán bộ y tế Khoa Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tất bật và không có ngày nghỉ. Khoa có 14 cán bộ, trong đó phần lớn là nữ giới, thậm chí một số người có con nhỏ chưa cai sữa, song không quản ngại khó khăn, hiểm nguy đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sáng mùng 1 Tết, trong cơn mưa rào tầm tã, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai, cán bộ của khoa vội vã cùng đồng nghiệp đi lấy mẫu bệnh phẩm của chị Vũ Thị Kh. (43 tuổi) ở xã Nhân Quyền (Bình Giang). Sau khi nhập cảnh từ Đài Loan về chị Kh. đã điều trị cách ly tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bị sốt.

Rất may sau đó chị Kh. có kết quả âm tính với SARS-CoV- 2. Liên tục những ngày sau đó và đặc biệt là những ngày cuối tháng 3, cán bộ Khoa Xét nghiệm- chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng hầu như không có ngày nghỉ.

Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Thị Thúy, Trưởng khoa cho biết: Hiện nhân lực toàn khoa đều được huy động cho công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2. Đặc biệt có những trường hợp như chị Vũ Thị Huyên - thành viên đội phản ứng nhanh của trung tâm gần như không có thời gian nghỉ do áp lực công việc đi lấy mẫu cũng như thực hiện ở phòng xét nghiệm.

Hiện chị Huyên vẫn đang nuôi con bé chưa cai sữa. Hay chị Hoàng Thị Mai Hương, Phó Trưởng khoa đang trong thời gian học thạc sĩ xét nghiệm cũng về tham gia làm mẫu. Chị Hương luôn tất bật trong phòng xét nghiệm. Mặc dù con nhỏ song công việc của khoa nhiều nên mọi việc gia đình chị Hương đều phó thác cho người thân của mình.

Ngay sau đêm 18.3, nhận được thông báo ca bệnh ở huyện Thanh Miện dương tính (bệnh số 73), sáng 19.3, 3 cán bộ nữ của khoa đã kết hợp với Trung tâm Y tế Thanh Miện lấy 52 mẫu cho những đối tượng F1 cách ly tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Miện. Có những đợt cao điểm, toàn khoa phải dốc hết quân số trong 2 ngày nghỉ cuối tuần cùng với Khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế TP Chí Linh lấy tới 200 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS- CoV-2 tại khu cách ly tập trung Trung đoàn 125 tại TP Chí Linh.

Đều đặn gần tuần nay, ánh đèn khu vực xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn sáng rực đến 21 giờ hằng ngày. Các cán bộ xét nghiệm luân phiên nhau ăn uống hoặc tranh thủ về qua nhà vệ sinh cá nhân rồi lại quay trở lại khoa. Anh Đoàn Văn Tuân đã gần một tuần liên tục phải ở lại cơ quan, không về nhà.

Anh chia sẻ: “Từ khi áp dụng thành công xét nghiệm PCR xác định được SARS- CoV-2, công việc của anh chị em trong khoa bận hơn gấp nhiều lần. Liên tục chạy mẫu lấy về từ cơ sở, cán bộ trong khoa chỉ có chút thời gian ngắn với gia đình. Nhiều đêm chạy xong các mẫu và đợi khử khuẩn môi trường phòng thí nghiệm đã gần 22 giờ nên cũng đành ở lại cơ quan".

Hiểm nguy và áp lực

Việc thực hiện trang bị phòng hộ cũng như tránh lây nhiễm mầm bệnh được lãnh đạo đơn vị quán triệt và các cán bộ xét nghiệm thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, chỉ một sơ suất nhỏ, cán bộ làm xét nghiệm trong quá trình lấy mẫu và thực hiện làm xét nghiệm sẽ phải đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh.

Những cán bộ xét nghiệm cũng gặp phải áp lực tâm lý từ phía người thân. Một cán bộ xét nghiệm giấu tên rơm rớm nước mắt kể lại chị luôn xác định mình là chiến sĩ khi đi thực hiện nhiệm vụ chống dịch, tuy nhiên khi phân tích thì người thân không muốn cho chị về nhà. Đặc biệt từ khi tỉnh có ca bệnh dương tính đầu tiên thì chị tuyệt đối không dám về nhà nữa.

"Nếu em về nhà thì người thân của em sẽ bỏ về quê và không trông con cho em nữa. Hôm qua sau gần 1 tuần ở cơ quan em tranh thủ về nhà lấy quần áo thì người thân em không hài lòng và bảo tuyệt đối không được bám vào tay vịn cầu thang và các vật dụng nên em về rồi đi ngay. Bên thì nhiệm vụ được giao, bên thì gia đình và người thân, em đành chọn công việc và có lẽ ở lại hẳn cơ quan cho tới khi hết dịch”, chị kể.

Song hành cùng với việc khoanh vùng, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, hoạt động xét nghiệm đóng vai trò chủ lực trong việc đưa ra những phương án xử lý khi có ca bệnh dương tính. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ của lãnh đạo trung tâm, tập thể khoa khoa và cá nhân thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng khoa đã lăn lộn suốt 3 tuần để tham mưu cho đơn vị bố trí các khu vực trong phòng xét nghiệm, những phương tiện hỗ trợ cho dàn máy PCR.

Sau khi được Sở Y tế đồng ý và hỗ trợ, hoạt động xét nghiệm PCR đã chính thức đi vào hoạt động. Hiện trung tâm đã thực hiện đầy đủ 43 quy trình chuyên môn kỹ thuật sinh học phân tử với sự kiểm soát nghiêm ngặt của các chuyên gia. Ngày 23.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương thực hiện thành công xét nghiệm SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 trên mẫu bệnh phẩm từ cơ sở. Việc thực hiện thành công xét nghiệm SARS-CoV-2 tại tỉnh sẽ hỗ trợ công tác phòng chống dịch, phản ứng nhanh và đề ra các biện pháp xử lý dịch kịp thời, đồng thời giảm quá tải cho hệ thống xét nghiệm tuyến Trung ương.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm- chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng lạc quan và khẳng định với chúng tôi việc áp dụng thành công xét nghiệm Realtime PCR chẩn đoán sớm SARS-CoV-2 là một trong những bước ngoặt mới cho hoạt động xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khẳng định vai trò của đơn vị tuyến đầu quản lý hệ thống y tế dự phòng.

ĐỨC MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người “vạch mặt” SARS- CoV-2 ở Hải Dương