Nguy hiểm sinh non

17/05/2020 22:03

Sinh con khỏe mạnh, đủ tháng, đủ ngày là mong muốn của các thai phụ và người thân. Vì vậy những cuộc chuyển dạ sớm hơn so với ngày dự kiến sinh khiến nhiều người hoang mang, lo lắng vì sinh non gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Do sinh non nên con của chị Nguyễn Thị V. dễ gặp các vấn đề về sức khỏe

Nhiều hệ lụy 

Theo bác sĩ Bùi Quang Trung, Trưởng Khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản Hải Dương), sản phụ được coi là sinh non khi chuyển dạ lúc thai nhi dưới 37 tuần tuổi. Sinh non được chia làm các mức độ: Sinh cực non khi thai dưới 28 tuần; sinh rất non lúc thai từ 28-32 tuần; sinh non muộn khi thai từ 33-36 tuần. Tuổi thai càng thấp thì trẻ chào đời càng phải đối mặt với nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Những tác động này không chỉ diễn ra trong giai đoạn sơ sinh mà còn ảnh hưởng đến những năm tháng sau này, thậm chí là cả cuộc đời của bé. Tỷ lệ sinh non chiếm từ 10-15% trong tổng số các ca sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. 

Ngày sinh con của chị Nguyễn Thị V. ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) vào tháng 5.2020, nhưng khi thai nhi mới được 33 tuần tuổi, chị bất ngờ bị ra máu nên đến cơ sở y tế để thăm khám và được chỉ định mổ lấy thai ngay vào ngày 11.4. Khi chào đời, con của chị V. phải nằm lồng ấp. Trải qua nhiều ngày điều trị, cháu mới được về nhà. Tuy nhiên, mới đây cháu lại gặp vấn đề về sức khỏe nên phải đến Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị. 

Mang thai đôi, đến tháng thứ 3 thì có nguy cơ dọa sảy nên vợ chồng chị Nguyễn Thị H. (22 tuổi) ở xã Hưng Long (Ninh Giang) được bác sĩ tư vấn và đưa ra cảnh báo về nguy cơ sinh non. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng vợ chồng chị cũng không thể ngờ các con lại chào đời sớm hơn nhiều so với dự kiến. Khi thai nhi được gần 30 tuần, chị H. bị vỡ ối và phải chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau khi sinh, hai con của chị phải nằm điều trị hồi sức tích cực hơn 1 tháng. Trong quãng thời gian ấy, vợ chồng chị không khỏi xót xa, lo lắng cho sức khỏe của các con. Sau đó, sức khỏe của hai cháu dần ổn định, được về nhà. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần sau thì một trong hai con của chị H. bất ngờ bị tím tái, gia đình phải đưa đến Bệnh viện Nhi Hải Dương để điều trị. Cháu còn lại được ông bà chăm sóc ở nhà. Sinh non, vợ chồng chị H. hiểu rằng các con sẽ gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn so với trẻ sinh đủ ngày nên đã tìm hiểu kỹ lưỡng để có thể nắm được những dấu hiệu bất thường của con, kịp thời đưa con đến cơ sở y tế khám. 

Buồng sinh non của Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Hải Dương) luôn có từ 6-14 trẻ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện này cho biết: Trẻ sinh càng non, mức độ nguy hiểm và nguy cơ tử vong càng cao do cơ thể quá non nớt, các hệ thống nội tiết, tim mạch, hệ miễn dịch… còn yếu, chưa đủ sức chống chọi với môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro bên ngoài bụng mẹ. Trẻ sinh non rất dễ bị nhiễm khuẩn và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ngoài ra, trẻ dễ mắc các chứng suy hô hấp, vấn đề về hệ miễn dịch và nhiều nguy cơ khác như hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Sau này, trẻ dễ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác, vận động, thậm chí tăng nguy cơ bại não. Việc chăm sóc, điều trị cho trẻ sinh non cũng vất vả hơn rất nhiều và thường kéo dài từ 2 tuần - 1tháng hoặc có thể lâu hơn. 

Ngăn ngừa từ sớm

Ngoài các trường hợp chưa rõ nguyên nhân, sinh non thường xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Những yếu tố khách quan như thai phụ mang đa thai, có tiền sử sinh non hoặc từng nạo thai, sảy thai, tử cung bị dị dạng, cao huyết áp, thai phụ quá trẻ hoặc đã lớn tuổi. Ngoài ra yếu tố chủ quan do chăm sóc về mặt thể chất và tinh thần chưa khoa học như chế độ dinh dưỡng không bảo đảm, làm việc quá sức khi mang thai, gặp căng thẳng, áp lực tâm lý, có những thói quen xấu, sử dụng chất kích thích, nghỉ ngơi chưa hợp lý...

Theo bác sĩ Bùi Quang Trung, để hạn chế nguy cơ sinh non thì thai phụ phải chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân trong thai kỳ, có lối sống lành mạnh, tránh để bị căng thẳng, áp lực tâm lý; ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học, điều chỉnh lối sống, hành vi... Thai phụ nên đi khám, kiểm tra thai theo định kỳ ở cơ sở y tế để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi. Nếu có nguy cơ sinh non sẽ được y, bác sĩ cảnh báo và tư vấn, can thiệp kịp thời để hạn chế đến mức thấp tình trạng sinh non.

​HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nguy hiểm sinh non