Nặng lòng với cây thuốc

15/07/2019 21:37

Không để mất đi vị thuốc hay, cây thuốc nam quý, một số lương y đã nỗ lực bảo tồn và phát triển dược liệu với "kim chỉ nam" là câu nói của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân”.

Lương y Bùi Đức Diên luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức về dược liệu

Tâm huyết

Lương y Bùi Đức Diên (70 tuổi, ở xã Thất Hùng), Chủ tịch Hội Đông y huyện Kinh Môn đã có hơn 40 năm gắn bó với cây thuốc. Trước đây, ông là cán bộ công tác trong lĩnh vực thương nghiệp. Biến cố cuộc đời xảy đến khi người vợ của ông mắc bạo bệnh. Ông quyết định nghỉ việc đưa vợ chạy chữa khắp nơi. Chứng kiến nỗi đau bệnh tật mà người vợ phải gánh chịu đã nhen lên trong ông Diên quyết tâm theo nghề y. Từ năm 1978, ông bắt đầu tìm hiểu về các cây thuốc nam. Năm 1995, ông trồng một số loại cây thuốc trong vườn nhà để phục vụ quá trình nghiên cứu, khám, chữa bệnh. Đến năm 2000, khi bệnh nhân ngày một đông, nhu cầu về dược liệu tăng cao, ông đã hướng dẫn, vận động một số gia đình trồng dược liệu để thu mua. Việc đó được duy trì đến nay với sự tham gia của hàng chục gia đình trong và ngoài tỉnh.

Ông Diên khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt bệnh viêm tai giữa ở người lớn và trẻ em đều được chữa miễn phí. Ông kể, trước đây, ông từng bị viêm tai giữa rất nặng, chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Tình cờ, có mấy người dân tộc thiểu số chỉ cho ông bài thuốc đơn giản, ông làm theo và khỏi hẳn bệnh. Ông coi đó là một cơ duyên và tự nhắc mình riêng với căn bệnh này sẽ chữa miễn phí cho cả trẻ em và người lớn.

Ông Dẫn thường chữa các loại bệnh về gan, thận, dạ dày, nhất là cứu chữa người bị rắn cắn

Không giống như ông Diên, lương y Vũ Tiến Dẫn (75 tuổi, ở xã Thanh An, Thanh Hà), nguyên là Chủ tịch Hội Đông y huyện Thanh Hà sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Phụ giúp người cha ngay từ khi còn thơ bé đã khiến ông say mê dược liệu. Từ năm 1990, ông Dẫn đã bắt đầu trồng những cây thuốc nam đầu tiên. Đó là những cây thuốc được ông kỳ công kiếm tìm ở nhiều cánh rừng từ Chí Linh cho đến những nơi xa xôi như Lạng Sơn, Lai Châu... Những chuyến đi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy bởi rừng thiêng nước độc nhưng mong muốn tìm và bảo tồn, nhân giống những loại cây thuốc, đặc biệt là những cây thuốc quý đã thôi thúc bước chân ông. Ông chụp ảnh, ghi chép lại đặc điểm sinh trưởng, công dụng từng cây thuốc tìm được. Hiện trong vườn của ông có khoảng 50 loại cây như: cây cựa gà, trinh nữ hoàng cung, độc lực... Ông Dẫn thường chữa các loại bệnh liên quan đến gan, thận, dạ dày... và đặc biệt là cứu chữa các trường hợp bị rắn cắn.

Ước mong y học cổ truyền ngày càng phát triển

Những người tâm huyết với cây thuốc đều chung mong muốn là y học cổ truyền ngày càng phát triển, được quan tâm nhiều hơn. Bởi lẽ bài thuốc chữa khỏi bệnh đôi khi chỉ đơn giản từ những loại cây lá dễ tìm, hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, chi phí thấp. Bén duyên với y học cổ truyền từ khi còn trong quân ngũ, đến nay, mỗi năm, lương y Phạm Hữu Luân (51 tuổi, ở xã Trùng Khánh, Gia Lộc) vẫn duy trì từ 1-2 đợt đi rừng dài ngày để tìm kiếm cây thuốc. Có những chuyến đi rừng ra về tay trắng, có những cây thuốc quý hiếm không thể bén rễ trong vườn nhà nhưng chưa bao giờ ông Luân có suy nghĩ dừng lại. Ông dự định tiếp tục mở rộng diện tích với nhiều loại cây thuốc chứ không chỉ dừng ở 5 sào như hiện nay. Con trai lớn của ông đang theo khóa học do Hội Đông y tỉnh phối hợp đào tạo. Ông Luân hy vọng, cùng với bài thuốc gia truyền và những kiến thức được học hành một cách bài bản, người con trai sẽ viết tiếp ước mong của ông về việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.

Ông Phạm Hữu Luân hiện có 5 sào trồng cây thuốc

Tuổi đã cao nhưng với lương y Bùi Đức Diên thì sự học hỏi là không ngừng nghỉ. Hằng ngày, ông đều dành thời gian nghiên cứu các tài liệu để có thể mở mang thêm kiến thức, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Bệnh nhân từ nhiều nơi đổ về lại chính là những người giúp ông phát triển nguồn dược liệu. Ông thường đưa họ tới vườn thuốc mẫu ngay trước nhà, giúp họ cách nhận biết và hỏi xem nơi họ sinh sống có những loại thuốc đó không để thu mua.

Khi không bận rộn với việc khám bệnh, kê đơn, ông Vũ Tiến Dẫn lại dành thời gian chăm sóc cho những cây thuốc trong vườn nhà. Ông thường hướng dẫn bà con trong thôn xóm cách nhận biết và sử dụng một số cây thuốc nam sẵn có để chữa một số loại bệnh thông thường. Đồng thời, ông vận động một số hộ gia đình trồng cây thuốc để thu mua, phục vụ quá trình khám, chữa bệnh. Và tình yêu, sự gắn bó với những cây thuốc trong ông đã “di truyền” sang các con. 4 người con trai, con dâu của ông đều theo nghề y, là đời thứ 4 theo nghề gia truyền.

Có người gắn bó với cây thuốc bởi kế tụng gia truyền, có người lại như một cơ duyên. Nhưng điểm chung ở những lương y này đều có lòng yêu nghề, đam mê với những cây thuốc với mong muốn nền y học cổ truyền sẽ phát triển mạnh mẽ, phát huy tác dụng, hiệu quả vốn có của nó.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nặng lòng với cây thuốc