Lý do vẫn nên tiêm vaccine Covid-19 dù không bảo vệ 100%

16/06/2021 05:02

Vaccine Covid-19 không giúp người tiêm tránh lây nhiễm 100% nhưng mang lại ít nhất 2 lợi ích khác.

Công nhân ở Bắc Ninh được tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Thạch Thảo

Chỉ trong vài ngày qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 55 nhân viên tại 13 khoa, phòng mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Thông tin này khiến nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của vaccine.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định đến nay chưa có bất kỳ vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%.

Với vaccine ngừa Covid-19, thế giới đang có nhiều loại, sử dụng các công nghệ khác nhau với hiệu quả bảo vệ từ 60-95%. Do đó, vẫn có tỷ lệ nhất định có thể nhiễm bệnh sau tiêm vaccine.

Giống như các loại vaccine ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm khác, vaccine Covid-19 giúp cơ thể phát triển miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 mà không cần nhiễm bệnh. Sau tiêm mũi 1, cơ thể cần ít nhất 2-3 tuần để sinh kháng thể. Vì vậy, một số trường hợp nhiễm bệnh ngay sau tiêm do chưa đủ thời gian để cơ thể sinh kháng thể.

Với vaccine của AstraZeneca Việt Nam đang sử dụng, kết quả một số nghiên cứu cho thấy sau tiêm mũi 2 khoảng 21-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong giảm tới 80% so với nhóm không tiêm chủng. Nếu tiêm đủ 2 mũi, tỷ lệ tử vong giảm gần như 100%.

"Điều này cho thấy vaccine có tới 3 tác dụng. Thứ nhất là giúp cơ thể sinh kháng thể phòng bệnh. Thứ hai, nếu nhiễm bệnh sau tiêm, bệnh rất nhẹ so với người không tiêm, giảm nguy cơ tử vong. Người tiêm rồi cũng giảm nguy cơ lây nhiễm, nếu tiêm đủ 70-80% dân số, sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng", giáo sư Đức Anh nói.

Trong số nhân viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh mắc bệnh, tất cả đều không có triệu chứng lâm sàng, trừ một trường hợp sốt nhẹ.

Tác dụng vaccine giúp bệnh nhẹ đi khiến tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị biến chứng nặng giảm, từ đó giảm số người phải nhập viện điều trị, tránh hệ thống y tế quá tải do phải chăm sóc quá nhiều bệnh nhân nặng.

Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 có diễn tiến nặng, trong đó, 5% chuyển thành nặng và 5% ở mức rất nặng.

Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid-19 bảo đảm an toàn, tiến tới chấm dứt đại dịch này.

Để bảo đảm hiệu quả tối đa của vaccine, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine để đạt tỷ lệ bao phủ tối thiểu 70-80% dân số, hình thành miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, sau khi tiêm chủng, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng trong bối cảnh dịch tái bùng phát tại nhiều nơi và ngày càng xuất hiện nhiều biến chủng mới.

"Tiêm vaccine là quyền lợi của từng cá nhân và cũng là trách nhiệm mỗi người dân với cộng đồng. Chúng tôi khuyến cáo và đề nghị tất cả người dân và các đối tượng trong diện được tiêm chủng cần tiêm đầy đủ 2 mũi theo khuyến cáo của ngành y tế", giáo sư Đức Anh khuyến cáo.

Giáo sư Đức Anh cho biết thêm hiện Anh đang nghiên cứu kết hợp 2 loại vaccine Covid-19 trong 2 mũi tiêm để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Quốc gia này đã thử nghiệm trên 10 loại vaccine, nếu kết quả tốt sẽ có khuyến cáo mới, là căn cứ để thực hiện sau này. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có 1-2 loại vaccine nên vẫn tiếp tục tiêm đồng nhất một loại cho cả 2 mũi.

Hiện Việt Nam mới nhận được tổng cộng gần 2,9 triệu liều vaccine, trong đó, COVAX cung ứng gần 2,5 triệu liều. Đến nay, cả nước đã tiêm hơn 1,55 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân khu công nghiệp.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý do vẫn nên tiêm vaccine Covid-19 dù không bảo vệ 100%