Hành trình tìm sự sống

20/10/2019 15:46

Chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc bệnh nguy kịch là cả một hành trình gian nan.

Vượt qua vất vả, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Hải Dương đã mang lại sự sống cho nhiều trẻ sinh non

Trong suốt thời gian ấy, bằng kinh nghiệm chuyên môn, tình yêu thương con trẻ, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Hải Dương) đã mang lại sự sống cho nhiều sinh linh nhỏ bé...

Cuộc chiến với tử thần

Đến Khoa Hồi sức cấp cứu chỉ cần nghe những tiếng bước chân vội vã, những giọng nói gấp gáp chúng tôi cảm nhận khá rõ về không khí căng thẳng ở khu vực đặc biệt này. 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại trao đổi chuyên môn, người nhà bệnh nhi hỏi một số thủ tục xuất viện hoặc về tình hình sức khỏe của con em mình.

Với giọng nói nhỏ nhẹ, chị Lan tận tình tư vấn, thông báo về sức khỏe, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc bé khi ra viện...

7 năm gắn bó với bệnh viện, chị Lan vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên, khi bắt tay vào công việc, nhìn những sinh linh nhỏ bé với nhiều dây truyền quấn đầy người, xung quanh toàn máy móc, những tiếng tút tút, bíp bíp khiến chị không khỏi lo lắng.

Có những khoảng thời gian, khi ở nhà rồi chị vẫn bị ám ảnh, thậm chí âm thanh ấy còn theo chị cả vào trong giấc mơ.

Diễn biến bệnh ở trẻ nhỏ bao giờ cũng nhanh, tính bằng giây, bằng phút và dễ rơi vào nguy kịch hơn so với người lớn.

Nếu người lớn có thể diễn tả về tình trạng bệnh tật của mình, biểu lộ những đau đớn thì những bệnh nhi còn quá nhỏ, không dễ để các y, bác sĩ nắm bắt được.

Do đó mức độ nguy hiểm lại càng nhân lên nhiều lần. Nếu không được theo dõi sát sao, phát hiện kịp thời rất có thể để lại di chứng trong suốt cuộc đời của trẻ sau này. Ví dụ như khi trẻ bị hạ đường huyết có thể bị bại não, chậm phát triển về sau.

Phần lớn các bệnh nhi ở đây đều phải tách mẹ nên không chỉ điều trị, việc chăm sóc hoàn toàn dựa vào đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng.

Nhiều bệnh nhi nhìn chỉ nhỉnh hơn một chai nước 500 ml một chút, tìm ven rất khó khăn. Với những trường hợp đặc biệt, phải tiến hành hội chẩn toàn khoa để giảm số lần phải lấy ven.

Việc lấy ven phải được giao cho những người dày dặn kinh nghiệm, có chuyên môn cao. Dù được trang bị hệ thống máy móc hiện đại nhưng không loại trừ trường hợp máy móc cũng có thể xảy ra sự cố.

Bởi thế, quan sát để sớm thấy những thay đổi của trẻ cùng với những cảm nhận mà các y, bác sĩ đúc rút trong quá trình chăm sóc, điều trị rất quan trọng. 

Những thân hình bé tí xíu phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật ngay trong những ngày tháng đầu đời đã thôi thúc các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhi một cách tốt nhất.

Có lần chính con của bác sĩ Lan cũng phải vào khoa điều trị vì sốt cao kéo dài, suy đa tạng. L

úc ấy, chị Lan càng hiểu hơn nỗi lòng của những người mẹ có con trong cơn thập tử nhất sinh. Nhiều đêm trở về nhà, dù đã mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nhưng chị vẫn dành thời gian nghiên cứu tài liệu chuyên môn để trau dồi thêm kiến thức.

Trên hành trình cứu chữa những sinh linh bé bỏng, chị Lan và những đồng nghiệp đôi khi không nhìn thấy một chút "ánh sáng" hy vọng nào, có những ca bệnh tiên lượng xấu. Nhưng họ không bỏ cuộc vì tình yêu thương dành cho con trẻ.

Và thật kỳ diệu, nhờ niềm tin và nỗ lực đó mà nhiều lần họ đã lập kỳ tích, có những bệnh nhi đã được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

Động lực gắn bó

Sau quá trình điều trị tích cực, bé Nguyễn Thiện Tâm đã qua cơn nguy kịch, được ghép mẹ và chuẩn bị xuất viện

Bác sĩ Lan vẫn rất nhớ về trường hợp cháu Nguyễn Gia Bảo sức khỏe không tốt do người mẹ bị suy thai. Khi sinh ra, cháu Bảo hít phải phân xu, thiếu ôxy, bị viêm phổi, hôn mê sâu, suy đa tạng, nguy cơ nhiễm khuẩn nặng.

Nhận định điều trị cho Bảo rất khó khăn, thậm chí tiên lượng xấu. Thế nhưng các y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu vẫn không bỏ cuộc.

Cháu Bảo được thở máy tần số cao HFO. Điều kỳ diệu đã đến, sau 10 ngày điều trị tích cực, cháu Bảo đã dần có những tia hy vọng mới dù rất mong manh.

Bảo dần dần “cai” được máy thở HFO để chuyển về máy thở bình thường.

Với các y, bác sĩ, khi đã "cai" được máy thở HFO đồng nghĩa với việc có thể cứu sống bệnh nhân. Sức khỏe của cháu Bảo ngày càng chuyển biến tích cực, được điều trị nhiễm khuẩn, ghép mẹ và sau gần 1 tháng đã được ra viện.

Mang theo tập hồ sơ bệnh án dày cộp, anh Lê Văn Bắc, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: "Những bé nằm điều trị hàng tháng trời thì hồ sơ bệnh án cũng dày như một cuốn sách".

Trên tay anh Bắc là tập hồ sơ bệnh án của cháu Nguyễn Thiện Tâm ở xã Đồng Lạc (Nam Sách). Cháu Thiện Tâm sinh non khi mới được 33 tuần, nặng 2,2 kg. Cháu vào viện với tình trạng suy hô hấp, rối loạn đông máu, nguy kịch đến nỗi tưởng chừng có lúc không thể qua khỏi.

Cháu được đặt kim luồn, tiêm truyền thuốc qua đường tĩnh mạch, đưa sữa vào cơ thể thông qua ống thông dạ dày. Sức khỏe của cháu Thiện Tâm đến nay đã dần cải thiện, có thể bú mẹ và sắp được ra viện.

Cho con bú là điều rất đỗi bình thường của biết bao phụ nữ khi làm mẹ, thế nhưng đối với chị Nguyễn Thị Hòa (33 tuổi, mẹ của cháu Thiện Tâm) thì đây chính là điều kỳ diệu.

Đôi mắt âu yếm nhìn con, chị Hòa xúc động nói: "Mừng quá chị ạ! Khi con em vào đây, cả nhà hoang mang, lo lắng, đứng ngồi không yên. Cháu được điều trị và chăm sóc ở phòng cách ly. Mỗi ngày em được 1-2 lần lên thăm con nhưng cũng chỉ được nhìn từ xa, những lúc ấy em như đứt từng khúc ruột. Các y, bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, thường xuyên động viên em và gia đình. Họ thông báo những tín hiệu vui từ sức khỏe của con khiến em cảm thấy yên tâm hơn. Họ chính là người đã sinh ra con em lần nữa". 

Anh Bắc kể nhi khoa vốn không phải là lựa chọn ban đầu của anh. Trước đây, anh đã từng có một thời gian sửa chữa ô tô, sau này anh nhận thấy mình không đam mê với công việc ấy nên quyết định thi và học lại.

"Đúng là nghề chọn người", anh Bắc quay sang chúng tôi nhoẻn miệng cười.

Có lẽ câu nói ấy là lời lý giải của nhiều người khác trong Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Hải Dương. Bởi lẽ công việc của họ rất vất vả, luôn đối mặt với áp lực, căng thẳng trong khi mức thu nhập vẫn còn khá eo hẹp.

Nhưng có lẽ không chỉ là cơ duyên nghề nghiệp, bởi nếu tình yêu, niềm đam mê không đủ lớn khó có thể giữ chân họ lại nơi đây gắn bó với nghề y đức này.

Các cháu Gia Bảo, Thiện Tâm và rất nhiều bệnh nhi khác đã trở thành động lực để chị Lan, anh Bắc và nhiều cán bộ, y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục gắn bó với công việc thầm lặng nhưng đầy nỗ lực, hy sinh này.

Có những em bé phải nằm trong lồng ấp mấy tháng trời, có lúc tưởng chừng không thể cứu nổi, thế nhưng nhờ sự tận tâm của các y, bác sĩ, sức khỏe của các bé tiến triển từng chút một, cho tới khi được ra viện là cả khoa liên hoan ăn mừng.

Những món quà rất đỗi giản dị chỉ là hoa trái vườn nhà, dòng thư tay chân phương, mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là tình cảm chân thành, sâu sắc của người nhà bệnh nhi.

Sau khi ra viện, hình ảnh của các bé thỉnh thoảng lại được gia đình gửi cho các y, bác sĩ qua mạng xã hội Facebook, Zalo.

Sau này, có lúc các bé phải vào điều trị ở các khoa khác của bệnh viện, một số gia đình đã đưa trở lại thăm khoa, nơi các bé từng được điều trị, chăm sóc trong những năm tháng đầu đời, thăm những người đã sinh ra các bé lần thứ hai...

HUYỀN TRANG

Mỗi ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Hải Dương) điều trị cho khoảng 40-50 bệnh nhân. Bệnh nhi của khoa thường là trẻ sinh non, nhẹ cân. Nhiều trẻ trong tình trạng nguy kịch khi bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn máu, suy hô hấp, viêm phổi, suy đa tạng...

(0) Bình luận
Hành trình tìm sự sống