Công việc thầm lặng của những người truy vết

09/06/2021 10:04

Với mục tiêu không để mất dấu bất cứ trường hợp nào, các cán bộ, chiến sĩ của Tổ truy vết Công an TP Hải Dương lấy đơn vị làm nhà, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Tổ truy vết của Công an TP Hải Dương đã góp phần quan trọng để các cơ quan chức năng kịp thời khoanh vùng, dập dịch

Không xông pha ở tuyến đầu, những người làm công tác truy vết các ca bệnh Covid-19 chỉ thầm lặng ở phía sau, nhưng công việc của họ liên tục và không ngừng nghỉ, góp phần quan trọng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Đó là các cán bộ, chiến sĩ an ninh thuộc tổ truy vết của Công an TP Hải Dương.

Chỉ về khi hết dịch

Câu chuyện giữa chúng tôi với trung úy Phan Thanh Thương thường xuyên bị ngắt quãng bởi điện thoại của anh liên tục đổ chuông. Điện thoại, máy tính bày la liệt trên bàn. Liên lạc phải thông suốt mọi lúc là nguyên tắc của những người làm công tác truy vết. Anh Thương trẻ nhất nhì tổ truy vết nhưng đã dày dạn kinh nghiệm qua những đợt dịch trước. Quê ở xã Thúc Kháng (Bình Giang), nhưng cũng như các đồng đội khác, từ khi làn sóng Covid-19 thứ tư tràn về, anh lấy đơn vị làm nhà.

Thượng úy Nguyễn Văn Tuyên cũng có kinh nghiệm truy vết từ những lần dịch trước nên anh tiếp tục được trưng dụng để thực hiện nhiệm vụ lần này. Không nói về những vất vả, khó khăn vì anh cho rằng những đồng đội của mình và các lực lượng khác xông pha ở tuyến đầu còn gian nan gấp bội. Các cán bộ, chiến sĩ ở tổ truy vết cho biết anh Tuyên nhà ở ngay TP Hải Dương nhưng lâu lắm cũng không được nghỉ. Ở đợt dịch thứ ba, khi cả Hải Dương là ổ dịch thì cũng là lúc vợ anh sinh con. Bao ngày đêm vất vả truy vết, dịch được dập tắt, tưởng được về chăm vợ, chăm con thì đợt dịch thứ tư bùng phát, anh lại cùng đồng đội bước vào nhiệm vụ mới. Nhà cách đơn vị không xa nhưng mỗi lúc nhớ nhà, anh chỉ được gặp vợ con qua điện thoại. Cũng như nhiều đồng đội khác, anh đã xác định chỉ về nhà sau khi hết dịch.

Tổ truy vết của Công an TP Hải Dương đi vào hoạt động ngay từ khi Hải Dương xuất hiện các ca Covid-19 đầu tiên, nòng cốt là quân số của Đội An ninh. Tùy các trường hợp cụ thể, tổ sẽ trưng dụng các lực lượng khác như hình sự, công nghệ cao hoặc các lực lượng dân sự, với mục tiêu không để mất dấu bất cứ trường hợp nào. Do thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong ngày, không có giờ giấc nên các cán bộ, chiến sĩ trực 100% quân số, chỉ ra ngoài khi có nhiệm vụ hoặc lý do thật cần thiết. Cả đội tự cơm nước, ăn nghỉ tại chỗ, có người nhiều ngày không bước chân ra cửa.

Làm chủ tình hình

Ở đợt dịch Covid-19 thứ ba, do bùng phát quá nhiều ca bệnh trong một thời gian ngắn nên công tác truy vết gặp những khó khăn và lúng túng. Nhưng trong đợt dịch này, các thao tác kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ truy vết đã được triển khai thuần thục nên các cán bộ, chiến sĩ đã làm chủ được tình hình, kể cả trong tình huống dịch bùng phát trên diện rộng. Nhiều trường hợp có yếu tố dịch tễ phức tạp đã được khẩn trương xác minh, rà soát, không để mất dấu. Ca bệnh của Đào Duy Tùng (32 tuổi, quê xã Đức Chính, Cẩm Giàng) là một ví dụ.

Mặc dù các F1, F2 của trường hợp này không nhiều, song tổ đã gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng mất dấu. Tùng không có nơi cư trú cố định, nghề nghiệp cũng không, hành trình phức tạp. Khi di chuyển, đối tượng chỉ dùng phương tiện công cộng, không nhớ xe của hãng nào. Mối liên hệ của Tùng với người thân, bạn bè rất mờ nhạt nên hầu như không khai thác được thông tin gì. Trong quá trình điều tra, dù Tùng khai báo quanh co, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hành trình của đối tượng này đã được vẽ ra đầy đủ. Các trường hợp liên quan đã được làm rõ, ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh. Tùng sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Đây là trường hợp thứ hai ở TP Hải Dương khai báo quanh co nhưng bị lực lượng công an khởi tố sau khi tổ truy vết làm rõ hành trình.

Thiếu tá Phạm Văn Xuân, Phó Đội trưởng Đội An ninh (Công an TP Hải Dương) cho biết khối lượng công việc của tổ truy vết căn cứ vào số lượng các ca bệnh. Để có được hành trình, các mối quan hệ, tiếp xúc của hơn 40 trường hợp F0 ở TP Hải Dương trong đợt dịch này đều có sự tham gia với vai trò chủ công của tổ truy vết. Khó khăn lớn nhất là không được tiếp xúc, chỉ khai thác thông tin gián tiếp qua điện thoại nên thông tin rất hạn chế. Thậm chí có trường hợp cố tình khai báo nhỏ giọt, tưởng tượng ra lịch trình khác khiến lực lượng truy vết phải rất nỗ lực mới vẽ lại được hành trình chính xác. Nếu ví F0 là một gốc cây thì các trường hợp liên quan giống như bộ rễ tỏa đi khắp nơi. Những người làm công tác truy vết dẫn chứng, ca F0 liên quan đến đám cưới ở nhà hàng Miến Hương (TP Hải Dương) giống như vậy. Một người là F0 nhưng có hàng trăm người liên quan, không chỉ trong dòng họ, trong thành phố, trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh, thành phố khác. Để xác minh các mối liên hệ, hàng nghìn cuộc điện thoại đã được thực hiện. Tất cả camera giám sát tại nhà hàng, trên đường phố được trích xuất, khai thác từ danh sách khách mời cho đến quà mừng cưới. Rất may, vụ việc tưởng chừng như phức tạp này đã được xử lý nhanh gọn, không để lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo thiếu tá Phạm Văn Xuân, khi biết mình có liên quan đến các ca bệnh, phản ứng ban đầu của người dân là hoang mang, lo sợ. Vì thế trong thời gian ngắn, các thông tin khó có thể thu về đầy đủ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi liên lạc đều phải tạo sự gần gũi, tin tưởng đối với người dân. Đối tượng được khai thác thông tin gồm tất cả các thành phần, già trẻ, trí thức, người lao động... nên quá trình trao đổi phải thật tế nhị. Có người do nhất thời chưa nhớ ra hành trình nên đang đêm gọi điện báo lại. Điều này cho thấy người dân nhận thức được vấn đề, phối hợp chặt chẽ với công an trong khai báo, giúp lực lượng chức năng truy vết thành công.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công việc thầm lặng của những người truy vết