Dùng thảo dược không rõ nguồn gốc: Rước họa vào thân

02/08/2019 13:08

Theo các bác sĩ, người dân cần phải cân nhắc và thận trọng khi sử dụng thảo dược bởi chúng giống như con dao hai lưỡi. Thảo dược chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng cách.


Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân dùng thảo dược đúng cách 

Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều người khi đau yếu thường tìm đến đủ loại thuốc đông, tây y. Không ít người tự mua các loại thảo dược để trị bệnh mà không cần đến sự tư vấn của các y, bác sĩ. Họ cho rằng thảo dược lành tính, ít tác dụng phụ nhưng không biết rằng nếu dùng thảo dược không rõ nguồn gốc, không đúng cách thì dễ rước họa vào thân.

Mắc thêm bệnh

Thời gian gần đây, bà Phan Thị N. (61 tuổi) ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) bị đau lưng. Bà có thói quen cứ ai giới thiệu chỗ này, chỗ kia có bán thảo dược trị đau lưng hiệu quả là tìm tới mua về dùng với hy vọng chữa dứt điểm căn bệnh phiền toái này. Thảo dược gồm nhiều loại cành, lá, rễ cây được gói trong những bọc giấy báo hoặc cô lại thành viên. Bà N. cũng chỉ biết tới công dụng của chúng là chữa bệnh đau lưng, cơ xương khớp chứ không biết đến tên gọi. Sau khi bà sử dụng những loại thảo dược này thì thấy hiệu quả ngay tức thì. Những cơn đau giảm rõ rệt, tinh thần sảng khoái, phấn chấn. Nhưng vài tuần trở lại đây, bà N. thấy trong người khó chịu, trên da xuất hiện nhiều vết bầm tím dù không bị va đập, chân tay thường bị tê bì, mất hết cảm giác. Bà N. tới khám tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì được chẩn đoán những dấu hiệu bất thường trên là do hậu quả của corticoid được trộn lẫn với các loại thảo dược.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng Khoa Y học cổ truyền, những trường hợp như bà N. không hiếm gặp. Trung bình mỗi tháng khoa có khoảng 300 bệnh nhân tới khám và điều trị, trong đó có từ 15-20 trường hợp bị ảnh hưởng từ việc dùng thảo dược không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc dùng sai cách. Phổ biến nhất vẫn là ảnh hưởng của corticoid đối với cơ thể. Đây là hoạt chất có tác dụng chống viêm, giảm đau tức thì thường được một số lương y, thầy lang trộn lẫn với các loại thảo dược. Về lâu dài chúng làm tổn thương các mao mạch dưới da, gây ra các vết bầm tím, thậm chí gây biến chứng nặng như suy thượng thận cấp, suy kiệt, rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng cơ hội...

Bà Trần Thị Th. (79 tuổi) ở xã Phúc Thành (Kim Thành) phải vào điều trị tại Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) do đau mỏi các cơ, chướng bụng, suy thượng thận cấp, suy kiệt, rối loạn trí nhớ... Trước đó, để điều trị bệnh viêm đa khớp cho mẹ, các con của bà Th. thường đặt mua thảo dược ở Sơn Tây (Hà Nội), sau đó gửi theo những chuyến xe về. Bác sĩ Vũ Văn Nguyên, Trưởng Khoa Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhận định bà Th. bị suy thượng thận cấp do thuốc nghi là corticoid. Mỗi năm, Khoa Nội tiết có hơn 300 bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú có yếu tố liên quan đến việc sử dụng các loại thảo dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điều trị đúng cách

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, nhiều khi bác sĩ Phương nghe thấy tên những bài thuốc lạ, không có trong danh mục. Đặc biệt, hiện nay thông qua mạng xã hội, người mua thảo dược chỉ cần nêu triệu chứng, sau đó người bán tư vấn và bán hàng. Tất cả đều được thực hiện qua mạng, không cần bắt mạch, kê đơn, người mua cũng không biết hoặc không có cơ sở kiểm chứng người bán có đủ năng lực, trình độ chuyên môn hay không. Nhiều bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại khoa lại giấu diếm việc mình từng sử dụng những loại thảo dược không rõ nguồn gốc, chỉ đến khi các y, bác sĩ hỏi cặn kẽ họ mới chia sẻ thông tin. Chị Phương vẫn nhớ một bệnh nhân nữ ở huyện Cẩm Giàng bị tiêu chỏm xương đùi. Sau khi thăm khám không thấy có những dấu hiệu tiền sử, chị gặng hỏi bệnh nhân mãi mới biết người này đã điều trị bệnh viêm xoang trong 6 năm liền bằng bột từ một số loại lá cây. Chưa kể đến công dụng cũng như tác dụng phụ mà các loại lá cây kia có thể mang lại, nhưng xét dưới góc độ khoa học, điều trị bằng y học cổ truyền thường được chia theo từng đợt, thông thường mỗi đợt khoảng 2-3 tháng, chứ không bao giờ liên tục trong thời gian dài. Đây cũng được phán đoán là nguyên nhân chính gây ra tình trạng loãng xương, làm cho bệnh nhân bị tiêu chỏm xương đùi.

Theo bác sĩ Bùi Văn Tĩnh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, người dân không nên nghĩ rằng các loại thảo dược lành tính nên có thể thoải mái sử dụng mà cũng cần phải cân nhắc và thận trọng bởi chúng giống như con dao hai lưỡi. Thảo dược chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng cách. Thảo dược nói riêng hay các bài thuốc y học cổ truyền nói chung được áp dụng theo từng bệnh nhân bởi cơ địa của mỗi người khác nhau nên các vị thuốc cũng được gia giảm, điều chỉnh khác nhau. Bệnh nhân cần được trực tiếp thăm khám, kê đơn, bốc thuốc. Người bệnh nên chọn những nơi cung cấp thảo dược có uy tín, được cơ quan chức năng kiểm chứng rõ ràng.

 HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Dùng thảo dược không rõ nguồn gốc: Rước họa vào thân