Bệnh sốt xuất huyết gia tăng

24/07/2019 09:50

Khác với quy luật những năm trước, bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường có nhiều vào tháng 8-9 nhưng năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn và có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây.


Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Ngày 22.7, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 5 bệnh nhân mắc SXH ở các huyện Ninh Giang và Nam Sách. Cả 5 trường hợp này đều đi từ vùng có dịch về địa phương và phát bệnh. Anh Nguyễn Văn Tr. ở thị trấn Nam Sách đi du lịch Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, trên đường trở về thì sốt cao, đau đầu, chóng mặt. Hai ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách không cắt sốt, đến ngày 11.7, anh Tr. đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Hiện sức khỏe của anh Tr. đã tiến triển tốt. Chị Lê Thị Hồng T. ở xã Vân Hội (Ninh Giang) là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội bị mắc SXH đã được điều trị 7 ngày tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi bị sốt cao liên tục 2 ngày tại Hà Nội, chị T. tự mua thuốc cảm, hạ sốt uống không đỡ nên gia đình đã đón về đưa thẳng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị và được xác định mắc SXH.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Thái, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận một số ca lẻ tẻ mắc SXH đến điều trị. Nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, lượng bệnh nhân mắc và nghi mắc SXH tăng nhanh. Khá nhiều trường hợp bị sốt cao đã tự ý mua thuốc điều trị, sau khi không đỡ mới nhập viện.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 14 ca mắc SXH, chỉ có 2 ca mang yếu tố nội địa chưa rõ nguyên nhân mắc thuộc phường Việt Hòa (TP Hải Dương) và thị trấn Nam Sách. Bác sĩ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Bệnh SXH năm nay xuất hiện sớm và rải rác ngay từ đầu năm nhưng đến đầu tháng 7 thì tăng lên. Toàn tỉnh xuất hiện 1 ổ dịch tại phường Việt Hòa, hiện đã kết thúc do sau 16 ngày không có thêm ca mắc. Trung tâm đã tăng cường truyền thông để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh và sớm phát hiện để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời". Bác sĩ Thực khuyến cáo đối với người dân đi từ vùng có dịch bệnh SXH trở về địa phương khi có các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, xuất huyết trên cơ thể, chảy máu chân răng cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị. Người dân ở những nơi đã từng xuất hiện ổ dịch cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như ngủ phải mắc màn, hạn chế mặc quần áo ngắn vào sáng sớm hoặc chiều tối tránh muỗi vằn gây bệnh đốt, tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cối um tùm, lật bỏ các vật dụng chứa đựng nước mưa trong tự nhiên đã để lâu ngày. Thực tế, nhiều hộ đã phun thuốc diệt muỗi tại nhà nhưng để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh nên phun vào sáng sớm hoặc chiều tối và phun 2 lần cách nhau từ 7 - 10 ngày. Muỗi vằn gây bệnh SXH Dengue thường chỉ xuất hiện và đốt người vào lúc sáng sớm hoặc chạng vạng tối.

Hiện thời tiết nắng nóng liên tục xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển. Bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh nên người dân cần nâng cao nhận thức tự mình phòng bệnh và phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Bệnh sốt xuất huyết gia tăng