Áp dụng V+2K liệu có khả thi?

06/08/2022 05:45

Khả năng cao quy định V+2K (vaccine, khử khuẩn, khẩu trang) trong phòng chống dịch Covid-19 sẽ được áp dụng trong thời gian tới.


Việc không đeo khẩu trang tại các hoạt động tập trung đông người đã thành phổ biến

Quy định V+2K (vaccine, khử khuẩn, khẩu trang) trong phòng chống dịch Covid-19 khả năng cao sẽ được Chính phủ quyết định ban hành trong thời gian tới theo đề xuất của Bộ Y tế.

Nhiều ý kiến trái chiều

Một số nhà quản lý lĩnh vực như y tế, giáo dục và nhiều người dân khi được hỏi đều đồng tình với đề xuất triển khai quy định V+2K thay thế cho 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế). Họ cho rằng việc này phải được triển khai từ lâu vì nhiều tháng nay, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, số ca mắc mới giảm, các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng hoặc bãi bỏ. Cuộc sống của người dân gần như đã trở lại bình thường như khi chưa xuất hiện dịch Covid-19. 

Chữ “V” có vị trí đầu tiên trong cụm từ V+2K cho thấy Bộ Y tế muốn nhấn mạnh tiêm vaccine vẫn là biện pháp căn cơ, quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19. Giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong cao do đa số người dân chưa được tiêm vaccine. Sau khi nguồn vaccine phong phú, người dân được tiêm đại trà thì tỷ lệ tử vong giảm dần và xuống mức thấp. Vaccine tạo ra miễn dịch cộng đồng, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong nếu không may mắc Covid-19. Hải Dương hơn 100 ngày qua không có người mắc Covid-19 tử vong. 

Các ý kiến cũng cho rằng ngoài tiêm vaccine thì “2K” vẫn cần duy trì vì đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giảm thiểu nguy cơ phát tán, lây nhiễm SARS-CoV-2 mà còn giúp người dân đề phòng được nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến băn khoăn với V+2K nếu được áp dụng. Chị Phạm Thanh Trà ở khu 7, phường Việt Hoà (TP Hải Dương) nêu quan điểm: “Lâu nay khi giao tiếp, nhiều người không đeo khẩu trang hay khử khuẩn như trước đây. Theo tôi chỉ nên đẩy mạnh tiêm vaccine trong giai đoạn này, còn đeo khẩu trang hay sát khuẩn thì chỉ áp dụng khi dịch bùng phát, diễn biến phức tạp”.

Chủ một nhà hàng lớn ở TP Hải Dương đồng tình với việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng cho rằng cần xem xét lại quy định đeo khẩu trang: “Nhà tôi thường xuyên làm tiệc cưới. Hàng trăm người ăn uống trong một không gian như vậy thì việc đeo khẩu trang trước đó có ý nghĩa gì”.

Nhiều người công tác trong ngành giáo dục cũng tỏ ra băn khoăn với việc áp dụng V+2K. “Tôi không rõ việc đeo khẩu trang được quy định thế nào khi áp dụng V+2K. Các cháu sẽ phải đeo từ nhà đến trường và từ trường về nhà hay đeo cả trong thời gian ở trường. Nếu quy định như vậy thì khó thực thi lắm, nhất là với học sinh mầm non. Nên cân nhắc thời điểm áp dụng. Giai đoạn này chỉ cần quy định tiêm vaccine là đủ”, chị Nguyễn Diệu Thuý, một giáo viên ở huyện Ninh Giang băn khoăn.

Có ý kiến cho rằng việc đeo khẩu trang giờ nên bắt buộc trong các cơ sở y tế, còn bên ngoài chỉ nên khuyến khích.

Cần rõ ràng, cụ thể

Nhiều người dân băn khoăn không rõ V+2K tới đây nếu được áp dụng sẽ là quy định hay thông điệp. Ông Nguyễn Văn Khỏi ở thị trấn Cẩm Giang nêu quan điểm: “Theo tôi việc này cần quy định rõ ràng từ đầu và phải rành mạch, từ đó tạo thành ý thức cho xã hội. Cần phân rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, giám sát thực hiện và đặc biệt có chế tài xử phạt nếu là quy định. Trước đây khi dịch căng thẳng, người dân ra đường không đeo khẩu trang, không rõ lý do bị phạt tiền triệu thì đều sợ cả".

Một số ý kiến khác cũng cho rằng nếu V+2K là quy định bắt buộc thì khi áp dụng phải làm quyết liệt từ đầu, tránh tình trạng mập mờ, đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan chuyên môn và các địa phương. Thời gian qua, nhiều nơi chính quyền chưa thực sự làm tốt trách nhiệm trong việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nên tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 tại Hải Dương vẫn chậm. Không ít ý kiến cho rằng cần làm rõ vấn đề tiêm vaccine là “khuyến khích” hay “bắt buộc” khi V+2K được Chính phủ ban hành.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Trung Chính thông tin Bộ Y tế đang xây dựng phương án áp dụng V+2K cho phù hợp với từng nơi, từng thời điểm theo diễn biến dịch bệnh, bảo đảm tính khả thi. Về việc có bắt buộc tiêm vaccine phòng Covid-19 hay không, theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, có nguy cơ ở mức đại dịch toàn cầu, trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện hơn là bắt buộc. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp dụng V+2K liệu có khả thi?