Hiệu quả dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nặng

23/04/2022 15:13

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, bệnh nhân bị tai biến nặng, ung thư được các nhân viên y tế chăm sóc như người thân.


Sức khỏe, tinh thần của nhiều bệnh nhân mắc ung thư, tai biến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tiến triển tốt nhờ được chăm sóc toàn diện

Chăm sóc toàn diện

Màn đêm buông xuống, điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài và một số đồng nghiệp phân công nhau “canh” cho các bệnh nhân ung thư ở khu vực điều trị dịch vụ. Hệ thống camera được bệnh viện lắp đặt đến từng phòng. Chỉ cần thấy bệnh nhân nào có biểu hiện trằn trọc là các nhân viên sẽ kiểm tra, hỏi han và xử lý những tình huống phát sinh. “Chúng tôi coi bệnh nhân như người thân. Họ đều mang bệnh nặng, sức khỏe, tâm lý không ổn định nên cần được quan tâm, theo dõi sát sao”, chị Hoài nói.

Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tai biến, ung thư thay người nhà được Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh triển khai từ tháng 8.2021. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên ở Hải Dương triển khai dịch vụ này. Bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc bệnh viện cho biết không hiếm gia đình gặp rất nhiều khó khăn khi chăm sóc người thân bị tai biến nặng và ung thư. Con cái loay hoay vừa phải trông nom cha mẹ, vừa lo việc cơ quan, gia đình, chăm sóc con cái. Nhà có điều kiện thì thuê người giúp việc chăm sóc... Tuy nhiên, do không có kỹ năng, chuyên môn nên việc này đã gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi cho cả người bệnh lẫn người chăm sóc. “Chăm sóc bệnh nhân thay người nhà được Sở Y tế cho phép bệnh viện triển khai không chỉ là một dịch vụ thông thường mà còn mang ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc. Ở đây, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, vừa giúp kiểm soát tốt tình hình sức khỏe, vừa giúp các gia đình giảm áp lực chăm sóc”, bác sĩ Liễu nói.

Dịch vụ chăm sóc bệnh nhân thay người nhà được Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh bố trí theo 2 khu vực. Khu vực 9 phòng ở Khoa An dưỡng dành cho bệnh nhân nặng và khu vực 4 phòng ở Khoa Lão khoa dành cho bệnh nhân phải ăn qua ống sonde dạ dày, sức khỏe diễn biến thất thường. Hai khu vực này thường xuyên có từ 25-30 bệnh nhân.

Bệnh nhân sinh hoạt, điều trị trong các phòng rộng rãi, thoáng đãng, có giường bệnh đa năng cao cấp, oxy truyền dẫn tới đầu giường, tivi, wifi... Bệnh viện bố trí 25 nhân viên có kinh nghiệm, chia thành nhiều ê kíp thay nhau chăm sóc bệnh nhân. 

Tại khu vực phòng bệnh, bệnh viện trang bị nhiều sách, báo, tạp chí viết về sức khoẻ, đời sống để bệnh nhân giải trí. Mỗi tháng một lần, bệnh viện tổ chức cho bệnh nhân thi vẽ tranh, làm thơ, thi đi bộ. Vào các dịp lễ lớn, sinh nhật đều tổ chức liên hoan giúp bệnh nhân nâng cao tinh thần. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các nhân viên y tế dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với bệnh nhân.

Người nhà yên tâm

Ở khu chăm sóc dịch vụ, bà Phạm Thị Xuân Dung (78 tuổi, ở Gia Lộc) cảm thấy yên tâm khi chồng bà được các nhân viên chăm sóc tận tình, chu đáo. Bà Dung cho biết chồng bà bị tai biến nặng. Trước đây, do con cái bận việc nên bà thuê người giúp việc về chăm sóc chồng. Tuy nhiên, việc này rất vất vả, áp lực. “Từ ngày ông ấy vào đây điều trị thấy da hồng hào, sức khỏe cải thiện nên tôi và các con rất vui. Ông ấy cũng vui vì trong này có các bạn già hằng ngày trò chuyện, không phải một mình một chỗ như ở nhà”, bà Dung chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Khuyên, Trưởng Khoa An dưỡng thông tin, bệnh nhân bị tai biến, ung thư được chăm sóc toàn diện với lịch sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Riêng chế độ dinh dưỡng, căn cứ vào tình hình bệnh lý của mỗi người để điều chỉnh phù hợp. Bệnh viện gắn hoạt động trị liệu với ngôn ngữ, tâm lý trị liệu nên sức khỏe, tinh thần của các bệnh nhân cải thiện rõ rệt sau từ 1-2 tháng điều trị. 

Tháng 3.2019, cụ Phạm Lê Hải (91 tuổi, ở TP Hải Dương) phát hiện mắc ung thư tiền liệt tuyến. Con trai của cụ, anh Phạm Thế Hùng, thừa nhận lúc đó anh em trong gia đình rất lo lắng và cũng đã tính tới việc lo hậu sự cho bố. Cụ Hải nằm một chỗ, lở loét khắp người, nói ngọng. Chỉ trong khoảng 6 tháng, gia đình lần lượt thuê 8 người chăm sóc cho cụ nhưng không đem lại kết quả khả quan. “Anh em chúng tôi quyết định đưa bố vào bệnh viện cũng chỉ hy vọng bố sẽ được chăm sóc tốt nhất khoảng thời gian cuối đời. Không ngờ từ khi vào đây sức khỏe của bố tôi tiến triển tốt lên, tinh thần thoải mái. Hiện bố tôi không còn nói ngọng, tỉnh táo, minh mẫn, hằng ngày vẫn nói chuyện, đọc sách”, anh Hùng chia sẻ.

Các bác sĩ cho biết dịch vụ thay người nhà chăm sóc bệnh nhân nặng đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới và nhiều trung tâm đô thị lớn tại Việt Nam. Thực tế tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã chứng minh hiệu quả mà dịch vụ này mang lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình đang vướng phải rào cản tâm lý. Khi bố mẹ bị ung thư, tai biến nặng, thay vì nhờ đến các nhân viên y tế, họ muốn chăm sóc để báo đáp công ơn. Họ sợ để bố mẹ đi viện sẽ bị xã hội chê cười vì “bỏ rơi” người thân. 

Tuy nhiên, việc chăm sóc không đúng cách lại vô tình khiến tâm lý, bệnh tình của bệnh nhân thêm chuyển biến nặng. Mỗi người cần thay đổi suy nghĩ và nên tin tưởng vào các nhân viên y tế để tạo ra một môi trường tốt nhất cho nhóm bệnh nhân trên.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả dịch vụ chăm sóc bệnh nhân nặng