Ý nghĩa trọng đại của Tuyên ngôn độc lập năm 1945

03/09/2010 21:02

Bản Tuyên ngôn độc lập như lời tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc trước quốc dân đồng bào Việt Nam và trước toàn thế giới bản “Tuyên ngôn độc lập”, long trọng tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa hết sức trọng đại: Tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới. Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc.

Bản Tuyên ngôn độc lập là mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam:

- Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới.

- Tuyên ngôn độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập tự do.

- Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của toàn thể dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ quyền độc lập, tự do, dân chủ của mình. Đó là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy.

Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói: “Độc lập tự do là quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

- Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xóa tan hai tầng xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp (kéo dài hơn 80 năm) và phát-xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tay sai. Nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hoà, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Đây là một bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- Về mặt quốc tế, Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc nhược tiểu đã tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là nhân dân châu Á và châu Phi.

- Tuyên ngôn độc lập có thể coi là một tác phẩm “Thiên cổ hùng văn”, tiếp sau bài thơ “Thần” - “Nam quốc sơn hà” và bài “Bình Ngô đại cáo”. Có thể khẳng định rằng chính thời điểm lịch sử cực kỳ quan trọng và thử thách ngặt nghèo từ sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, việc thành lập chính quyền nhân dân, tuyên bố độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời… đã thể hiện đầy đủ và sinh động nhất thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ đây với tư cách là người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. 30 năm sau ngày “Tuyên ngôn độc lập”, Đảng và nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ, thống nhất đất nước. Tổ quốc vĩnh viễn được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2-9-1945 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Ý nghĩa trọng đại của Tuyên ngôn độc lập năm 1945